Bộ TN&MT thông tin về hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 17:19, 04/12/2019

(TN&MT) - Cử tri tỉnh Nam Định cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các đô thị...

Trả lời ý kiến của Cử tri tỉnh Nam Định, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết:

Nhận thức tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, vừa qua Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” như: bãi bỏ và cắt giảm trên 25 thủ tục hành chính và nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt là xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, công khai minh bạch, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; lồng ghép một số thủ tục hành chính trong các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo; giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 15-25 ngày….

Ảnh minh họa

Song song, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đề xuất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường, được Quốc hội chấp thuận bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2020 và hiện đang tích cực triển khai xây dựng dự thảo Luật, trong đó sẽ thay đổi và tiếp cận các phương thức quản lý mới về môi trường trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới.

Bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm số lượng các cơ sở thanh tra theo kế hoạch, tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở có quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực triển khai sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2014, dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua trong năm 2020; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự kiến trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2020.

Về vấn đề quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các đô thị, triển khai Luật Quy hoạch mới được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung về phân vùng môi trường trên phạm vi cả nước theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác trên cơ sở phân tích mô hình phát tán ô nhiễm, hiện trạng và xu hướng của các vấn đề môi trường, áp lực và định hướng của các hoạt động phát triển.

Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, nhiệm vụ đang được tích cực triển khai xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2020.

Báo TN&MT