Quy hoạch bảo vệ môi trường phải đi đôi với quy hoạch phát triển

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:35, 04/12/2019

(TN&MT) - Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khi chủ trì họp Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra vào sáng ngày 4/12, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công thương…, các chuyên gia, các nhà khoa học. Về phía Bộ TN&MT có Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài và đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ.

Bàn về Quy hoạch này, các đại biểu nhất trí quan điểm: Quy hoạch bảo vệ môi trường là quy hoạch có tính chất liên ngành, có mối liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, do vậy, cần được xem xét một cách tổng thể trong mối quan hệ đối với các quy hoạch khác, bao gồm các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Vẫn thiếu một quy hoạch thống nhất về BVMT

Phân tích tình hình hiện trạng quản lý môi trường, đại diện Tổng cục Môi trường quan ngại, trước áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức đáng báo động. Công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước những thách thức gay gắt; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác chưa theo đúng theo quy hoạch hoặc quy hoạch chưa tính đến đầy đủ các yếu tố phát triển bền vững, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân…

“Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu sự lồng ghép các yêu cầu bảo vệ và quản lý môi trường, tài nguyên một cách bài bản trong các quy hoạch phát triển, đặc biệt là thiếu một quy hoạch thống nhất trong công tác bảo vệ môi trường”, Tổng cục Môi trường chỉ rõ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu

Đến nay, các bộ ngành và địa phương đã xây dựng các quy hoạch phát triển khác nhau, tuy nhiên, các quy hoạch này chưa thể hiện rõ các nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đối với từng vùng, từng lĩnh vực và hoạt động cụ thể. Vì vậy, trên thực tế đã xảy ra sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy hoạch phát triển dẫn đến sự phá vỡ cân bằng giữa bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa và sự lãng phí, kém hiệu quả trong công tác quy hoạch.

Trong khi đó, một số vấn đề mới phát sinh về BVMT chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh. “Thực tế trong thời gian qua cho thấy phát sinh nhiều sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, bùng phát các điểm nóng về môi trường do xả thải. Tuy vậy, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý về cơ chế, các tiêu chí sàng lọc, phân loại, phân luồng các dự án đầu tư theo mức độ rủi ro về môi trường; cơ chế kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Do đó, cần bổ sung các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng dự án đầu tư ngay từ giai đoạn xét đuyệt chủ trương đầu tư dựa trên loại hình dự án, quy mô dự án và tính nhạy cảm môi trường nơi thực hiện dự án”, đại diện Tổng cục Môi trường nêu rõ.

Cũng theo đơn vị, các dự án thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xu hướng đầu tư vào Việt Nam. Năng lực phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường ở một số địa phương còn nhiều bất cập; chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời một số dự án gây ô nhiễm, sự cố môi trường sau khi đi vào hoạt động, ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, với tầm quan trọng của công tác quản lý và bảo vệ môi trường đồng thời thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập “Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Sẽ chú trọng phân vùng môi trường

Theo đơn vị soạn thảo, Quy hoạch BVMT cấp quốc gia là sự tổ chức lập các kế hoạch dài hạn xây dựng hệ thống BVMT cấp quốc gia trên cơ sở điều tra, đánh giá môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu;  nhu cầu bảo tồn cũng như các nguồn lực có thể sử dụng. Như vậy, có thể hiểu quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia là phân vùng môi trường, xác định khung về nội dung, phân bổ không gian cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng, quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông, quản lý chất thải, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường.

Theo đó, nội dung của Quy hoạch sẽ có đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu; tình hình quản lý và bảo vệ môi trường. Đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường. Định hướng phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lý chất thải; quan trắc và cảnh báo môi trường trong kỳ quy hoạch.

Các tiêu chí phân vùng môi trường sẽ được đồng bộ với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 sau khi được Quốc hội thông qua. Dự kiến môi trường được phân vùng theo 3 cấp độ nhạy cảm. Vùng cấp độ 1 là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bao gồm: khu dân cư tập trung, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng nước cấp cho mục đích sinh hoạt hoặc có các yếu tố, đối tượng nhạy cảm khác cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Vùng cấp độ 2 là vùng hạn chế tác động, bao gồm: vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng thuộc khu di sản thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực có đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rừng tự nhiên, rạn san hô, cỏ biển, thủy sinh quan trọng cần được bảo vệ. Vùng cấp độ 3 là vùng khác còn lại trên địa bàn quản lý.

Toàn cảnh cuộc họp

Đánh giá cao nhiệm vụ Quy hoạch BVMT cấp quốc gia do Bộ TN&MT xây dựng, đại diện các Bộ, các chuyên gia cho rằng: Quy hoạch được xây dựng phải phù hợp, tránh “độ vênh” với các quy hoạch phát triển kinh tế. Quy hoạch này có tính định hướng, dẫn dắt các hoạt động phát triển theo hướng phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường. Bộ TN&MT cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch này với các quy hoạch khác mà Bộ đang thực hiện như Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch quan trắc môi trường.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu, Tổng cục Môi trường cần chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo nhiệm vụ Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là quy hoạch đặc thù, đi đôi với quy hoạch phát triển. Đơn vị soạn thảo cần giới hạn lại phạm vi của quy hoạch, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng quy hoạch. Sản phẩm của quy hoạch cần cụ thể, đưa ra dự báo về an ninh môi trường và đề ra giải pháp, cơ chế tổ chức thực hiện quy hoạch một cách hợp lý, hiệu quả.

Tống Minh