Thừa Thiên Huế: Cộng đồng thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên rừng

Đất đai - Ngày đăng : 13:37, 04/12/2019

(TN&MT) - Sau khi được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), thời gian qua, người dân ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên rừng, nhờ đó giúp giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Người dân huyện Nam Đông tham gia trồng rừng tái sinh

Khi rừng được giao cho cộng đồng

Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 502.629,57 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 57,3%. Đến nay, có trên 29,250 ngàn ha rừng tự nhiên được giao cho các cộng đồng quản lý, bảo vệ.

Nam Đông là một trong những huyện miền núi trên địa bàn Thừa Thiên Huế có diện tích rừng tự nhiên khá lớn với với hơn 13.507 ha, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã được triển khai từ năm 2014. Nhờ vậy, nhiều nhóm hộ, cộng đồng và hộ gia đình đã chủ động phát huy hiệu quả trong việc QLBVR trên địa bàn.

Ông Trần Văn Biên - Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông) cho hay, thôn có 157 hộ, 660 nhân khẩu, chiếm hơn một nửa dân số xã, số hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn nhiều, tập quán sản xuất còn lạc hậu, sinh sống chủ yếu dựa vào rừng.

Từ năm 2011-2012, cộng đồng thôn được UBND huyện giao quản lý, bảo vệ 702,5 ha rừng tự nhiên, trong đó rừng giàu 483,3 ha, còn lại rừng trung bình, rừng nghèo và một số diện tích chưa sử dụng. Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Dỗi đã tiến hành thành lập 5 tổ QLBVR với 65 thành viên, tuần tra 500 ngày công, làm giàu rừng 120 ngày công.Từ khi được giao khoán quản lý, người dân thôn Dỗi đã ý thức tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển KTXH của thôn. Từ đó, bà con nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ, tự nguyện xây dựng quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

“Tập quán sinh sống dựa vào rừng không chỉ được xóa bỏ, người dân còn tham gia cùng cơ quan chức năng ra sức tuần tra, bảo vệ rừng nghiêm ngặt. Từ đó diện tích rừng do thôn quản lý không còn xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm làm nương rẫy. Các dự án Car-bi và một số dự án khác còn hỗ trợ giống và kỹ thuật cho người dân trồng 20 ha mây dưới tán rừng và 2.000 gốc tre lấy măng đã góp phần giảm nghèo, ổn định cuộc sống...”, ông Biên chia sẻ.

Một góc huyện Nam Đông. Rừng ở đây ngày càng được bao phủ

Tại huyện A Lưới có hơn 70% diện tích đất lâm nghiệp là rừng tự nhiên và diện tích đất rừng. Huyện đã giao hơn 20.000ha rừng tự nhiên cho 191 nhóm hộ, 26 hộ gia đình, 39 cộng đồng dân cư thôn và 2 Đồn Biên phòng quản lý.

Cộng đồng thôn A Ho (xã A Roàng) đã được các cấp, ngành đã tiến hành giao khoán cho cộng đồng thôn quản lý, bảo vệ 83 ha rừng tự nhiên. Địa phương này đã cấp đất cho các hộ dân trong thôn trồng rừng kinh tế với 50 ha, cao su 15 ha. Riêng hai năm 2017-2018, số kinh phí chi trả DVMTR được người dân của thôn nhận trên 40 triệu đồng. Số tiền đã được chi trả cho người dân, lực lượng QLBVR của cộng đồng, mỗi ngày 100 ngàn đồng/người.

Ông BLúp Phú - Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng A Ho chia sẻ, từ khi nhà nước giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, cùng với sự hỗ trợ của ngành kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương về phát triển, ổn định sinh kế thì tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy trên địa bàn hiếm diễn ra.

“Thôn A Ho được cán bộ kiểm lâm giúp đỡ, hướng dẫn trồng 30 ha mây dưới tán rừng tự nhiên với 34 hộ tham gia. Quá trình sản xuất mây, người dân được dự án Car-bi và dự án Hành lang bảo vệ đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông (thuộc Sở TN&MT) hỗ trợ trồng mỗi ha 3 triệu đồng. Các loại cây đang phát triển tốt, nhất là mây trồng ở những vùng ven rừng có nhiều ánh sáng. Một số loại cây dược liệu như ba kích, thiên niên kiện cũng được người dân đưa vào trồng 1.250 cây và đã được các đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch...”, ông Phú thông tin.

Với việc được giao khoán, bảo vệ rừng thì người dân có cơ hội phát triển kinh tế và góp phần gìn giữ rừng bền vững hơn

Góp phần bảo vệ, phát triển rừng

Theo ông Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, nhờ chính sách giao khoán QLBVR mà tình trạng chặt phá, xâm lấn rừng lấy đất sản xuất và khai thác vận chuyển lâm sản trái phép và cháy rừng được hạn chế. Năm 2016 huyện xảy ra 25 vụ phá rừng với diện tích 12,9 ha, năm 2017 là 20 vụ với diện tích 5,8 ha thì năm nay giảm chỉ còn 5 vụ phá rừng. Hơn 95% người dân địa phương khẳng định nhận thức của họ về bảo vệ rừng tốt hơn trước...

Ông Hồ Văn Nhoai - Phó ban quản lý rừng cộng đồng A Ti 2 (huyện A Lưới) cho rằng, dưới sự kiểm tra sát sao trực tiếp từ người dân và sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng, tình trạng chặt phá rừng tại địa bàn huyện A Lưới gần đây đã suy giảm...“Chúng tôi đã có những kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng trong tháng, trong ngày. Nếu có hành vi chặt phá sẽ lập biên bản”, ông Nhoai nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc xã hội hóa ngành lâm nghiệp là cần thiết nhằm thu hút, tranh thủ sự tham gia của người dân trong công tác QLBVR. Cộng đồng dân cư sống gần rừng là một trong những chủ thể quan trọng, là bạn của rừng, được hưởng những lợi ích kinh tế, môi trường sinh thái.

“Trước tình hình khai thác, lấn chiếm rừng, đất rừng trái phép diễn ra phức tạp, thời gian qua, các cấp ngành đã giao khoán QLBVR cho cộng đồng dân cư quản lý, gắn với hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân nhằm giảm áp lực dựa vào rừng. Với những diện tích rừng được giao cho cộng đồng đã quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt, hạn chế tối đa khai thác, lấn chiếm trái phép. Các chương trình, dự án trong và ngoài nước còn hỗ trợ cho các cộng đồng tại Nam Đông, A Lưới về phát triển sinh kế. Để mô hình này phát huy kết quả hơn nữa, tỉnh cùng ngành nông nghiệp đang tiếp tục rà soát và thu hồi những diện tích đất rừng quản lý không hiệu quả, gần với khu dân cư, thuận lợi cho sản xuất của người dân giao lại cho các hộ và cộng đồng quản lý, sử dụng. Đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, theo dõi những diện tích này để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc giao đất, giao rừng...”, ông Tuấn khẳng định.

Văn Dinh