Cocobay vỡ trận, khách hàng có quyền khởi kiện?

Bất động sản - Ngày đăng : 20:31, 03/12/2019

(TN&MT) - Đầu tư phân khúc condotel khi pháp lý chưa rõ ràng khiến khách hàng chịu nhiều rủi ro.  Mặc dù nhiều chuyên gia đã từng cảnh bảo về những bất ổn đối với mô hình căn hộ condotel nhưng tâm lý đầu tư theo đám đông khiến nhiều nhà đầu tư không còn tỉnh táo.

Việc Tập đoàn Thành Đô – chủ đầu tư dự án Cocobay (Đà Nẵng) phát đi thông báo dừng chi trả lợi nhuận cam kết 12% đối với 1.800 khách hàng mua căn hộ condotel, liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng đã khiến thị trường bất động sản rúng động. Nhất là trong bối cảnh, pháp lý cho loại hình bất động sản này chưa rõ ràng nhưng lượng dự án condotel lại phát triển quá nóng.

Theo chủ đầu tư Cocobay, nguyên nhân khiến dự án không thể thực hiện được là do pháp lý của condotel hiện không rõ ràng. Trong khi đó, khách hàng gây sức ép với chủ đầu tư về việc thực hiện cam kết sổ đỏ - sổ hồng. Thứ hai là việc vận hành khai thác tình hình thực tế của thị trường cho thấy kết quả 2 năm đầu đều lỗ, còn sau đó có lãi chỉ 5-6% mỗi năm.

 

Kokobay vỡ trận gây ảnh hưởng lớn đến thị trường condotel.

Luật sư Nguyễn Sỹ Hồng - Giám đốc điều hành công ty Luật  Legalserco Vietnam LLC phân tích, trong vụ việc chủ đầu tư dự án Cocobay (Đà Nẵng) đơn phương phá vỡ các cam kết trong hợp đồng đã ký với 1.800 khách hàng, việc xử lý câu chuyện này trước hết phải đặt mục tiêu đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư. Mục tiêu thứ hai, phải làm sao hạn chế hiệu ứng domino gây ảnh hưởng đến chính sách đất đai, xây dựng, du lịch, văn hóa của đất nước. Đây là mục tiêu lớn phải đặt được trong câu chuyện này.

Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án Cocobay, do đơn phương chấm dứt hợp đồng thì pháp luật cho phép cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình bằng nhiều cách như hòa giải thương mại; tiến hành đối thoại; hòa giải qua trung tâm hòa giải hoặc khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại….

“Chủ đầu tư đã chính thức công khai việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và đưa ra các phương án hỗ trợ khách hàng.  Đây là ý chí đơn phương của chủ đầu tư. Việc các nhà đầu tư có đồng ý hay không? Hay là đưa vụ việc ra tòa án đó là quyền của khách hàng dựa trên điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý về thời gian khởi kiện vụ việc tranh chấp thương mại tối đa là 3 năm. Ngoài ra, chi phí và thời gian tiến hành vụ kiện sẽ kéo dài” luật sư Hồng nói.

Đáng chú ý, luật sư Nguyễn Sỹ Hồng nhấn mạnh, việc phát triển condotel trong điều kiện pháp lý chưa rõ, thiếu minh bạch là tiềm ẩn rủi ro. Rủi ro đến từ thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên. Thỏa thuận này có nằm trong khuôn khổ pháp luật hay không? Khi xảy ra tranh chấp liệu pháp luật có đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên hay không? Quan trọng việc giải quyết vấn đề tranh chấp sẽ không thể căn cứ vào điều khoản hợp đồng mà phải căn cứ vào chính sách quản lý condotel của Nhà nước.

Theo các chuyên gia bất động sản, câu chuyện cam kết chủ dự án Kokobay chủ yếu là cam kết về tín chấp. Chủ đầu tư đưa ra cam kết nhưng không có đảm bảo bằng bảo lãnh ngân hàng. Tín chấp là cái duy nhất người mua nắm giữ, khi rủi ro xảy ra nếu không giải quyết được, người mua tự chịu.

Trong hợp đồng có cam kết đơn phương huỷ hợp đồng sẽ bồi thường nhưng chủ đầu tư không đơn phương, họ vẫn giao nhà, vẫn đủ thủ tục. Chỉ có cam kết lãi suất là cam kết riêng biệt không có gì bảo đảm. Căn cứ vào hợp đồng do chủ đầu tư soạn thảo, không có điều khoản nào bất lợi cho họ khi huỷ cam kết. Điều duy nhất có thể mất là mất uy tín của doanh nghiệp.

Thùy Linh