Muôn nẻo nguồn thải
Môi trường - Ngày đăng : 15:02, 03/12/2019
Nước sông chỉ dùng cho giao thông thủy
Điểm sáng hiếm hoi là tại đầu nguồn - điểm tiếp nhận nước sông Hồng (cống Liên Mạc - Hà Nội), nước sông Nhuệ hầu như chưa ô nhiễm. Còn trên đoạn sông chảy qua Hà Nội, từ đoạn sông chảy qua khu vực Hà Đông (Phúc La) cho tới trước khi nhận nước sông Tô Lịch, nước đã bị ô nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và nước thải của các cơ sở sản xuất và làng nghề trong khu vực. Sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước sông Nhuệ tiếp tục bị ô nhiễm nặng.
Có thể thấy, nước thải sông Tô Lịch (nguồn tiếp nhận nước thải chính của toàn bộ các quận nội thành Hà Nội) là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho sông Nhuệ (đặc biệt tại điểm Cầu Tó trở đi). Môi trường nước tiếp tục bị ô nhiễm ở đoạn sông chạy qua địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Trên toàn bộ đoạn sông, chỉ số chất lượng nước vào mùa khô ở mức rất kém, nước sông ô nhiễm nặng. Trong mùa mưa, có sự cải thiện hơn nhưng vẫn ở mức kém, nước sông chỉ sử dụng được cho mục đích giao thông thủy.
Ô nhiễm nước thể hiện rõ nhất trên dòng chính sông Nhuệ và thượng nguồn sông Đáy đoạn qua Hà Nội |
Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nam, chất lượng nước vẫn duy trì ở mức kém trong mùa khô. Tuy vậy, đến mùa mưa, lưu lượng dòng chảy lớn nên nước sông được pha loãng các chất ô nhiễm, chất lượng nước ở mức trung bình.
Trên dòng chính sông Đáy, khu vực thượng nguồn sông Đáy - đoạn qua nội thành Hà Nội, nước sông ô nhiễm nặng do chịu ảnh hưởng của sản xuất và dân sinh trên địa bàn, chỉ sử dụng cho mục đích giao thông thủy.
Từ khu vực trung lưu đến hợp lưu sông Nhuệ - Đáy tại thành phố phủ Lý, mặc dù, môi trường nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất và tưới tiêu nhưng do lưu lượng nước sông Đáy lớn và có sự tham gia của các nhánh sông có tác dụng điều tiết nước nên chất lượng nước ở mức trung bình. Khu vực hạ lưu, đoạn từ hợp lưu sông Nhuệ - Đáy đến khu vực cửa sông, chất lượng nước sông cơ bản được duy trì ở mức trung bình và tốt. Nhìn chung, chất lượng nước sông Đáy tốt hơn sông Nhuệ.
Đối với các sông nội thành Hà Nội, do tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt đô thị và nước thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề nội đô nên chất lượng nước luôn ở mức thấp, ô nhiễm nặng và hầu như chưa được cải thiện.
Chưa cải thiện được nước từ các nguồn thải
Truy tìm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Bộ TN&MT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố trên toàn lưu vực nghiêm túc triển khai công tác thống kê các nguồn thải trên vào lưu vực sông.
Theo báo cáo từ các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy, có thể thấy hầu hết các khu công nghiệp (KCN) đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và tuân thủ khá tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Các cụm công nghiệp (CCN) đã và đang xây dựng trạm xử lý tập trung nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 30%), ngoại trừ thành phố Hà Nội, phần lớn các CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm trên 60%). Nước thải làng nghề, thực tế từ các tỉnh như Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình phát sinh không nhiều, chủ yếu nước thải làng nghề đều không được thu gom và xử lý.
Đáng lưu ý, tỷ lệ nước thải sinh hoạt ra sông Nhuệ - Đáy chiếm tỷ lệ rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (lên tới trên 65%). Cụ thể như thành phố Hà Nội thải sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch là 150.000m3/ngày đêm (chiếm 87%); các tỉnh còn lại đều chiếm trên 65%. Tất cả các nước thải sinh hoạt này, hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ - Đáy.
Để giải quyết tình trạng này, theo kiến nghị từ Bộ TN&MT, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ các KCN, CCN cần có đầu tư, lộ trình về xử lý nước thải sinh hoạt đặc biệt là nước thải sinh hoạt ở các đô thị có xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ - Đáy. Bên cạnh đó, cần có chủ trương từ cấp Trung ương đến địa phương, đặc biệt tập trung vào các tỉnh trên lưu vực sông nói chung và lưu vực sông Nhuệ - Đáy nói riêng.
Qua 4 đợt quan trắc năm 2019 do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc tiến hành, kết quả cho thấy, ô nhiễm nước thể hiện rõ nhất trên dòng chính sông Nhuệ và thượng nguồn sông Đáy đoạn qua Hà Nội. Các sông nội thành Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ vẫn ô nhiễm ở mức khá cao. |
Đối với các địa phương trên toàn lưu vực là Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, phải có một lộ trình và có nguồn kinh phí để thực hiện kiểm soát và quản lý chặt chẽ, tốt các nguồn thải KCN, CCN, làng nghề,... Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin nguồn thải; lập bản đồ nguồn ô nhiễm; tích cực triển khai thực hiện “Quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy trên cổng thông tin điện tử” theo Quyết định số 02/QĐ-UBSNĐ ngày 5/3/2013 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Bên cạnh đó, việc thường xuyên cập nhật và điều phối các hoạt động triển khai kế hoạch sẽ giúp các địa phương có lộ trình kiểm soát, xử lý tổng thể đối với nguồn thải tại địa phương mình.