Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 15:01, 03/12/2019
Bón phân không cân đối, lạm dụng phân đạm làm phát sinh nhiều sâu bệnh gây hại, dùng thừa phân bón gây ô nhiễm, lãng phí và làm thoái hóa đất... đó là thực trạng sử dụng phân bón của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua.
Trước thực trạng trên, cùng với việc sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đủ về khối lượng, đúng về hàm lượng dinh dưỡng đã đăng ký và công bố trên bao bì, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu những ưu điểm của sản phẩm phân bón Lâm Thao dùng cho cây lúa, chè và các loại cây trồng khác. Qua đó, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật bón phân hiệu quả, cách bón phân cân đối cho từng loại cây trồng, cách phân biệt phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Sản phẩm phân bón Lâm Thao tin dùng tại tỉnh Thái Nguyên |
Bà Triệu Thị Mai, ở xóm Kẹ, xã Liên Minh (Võ Nhai) cho biết: “Nhà tôi có 7 sào lúa và 5 sào chè. Trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật, tôi bón phân vô tội vạ. Đối với lúa, khi nào thấy cây kém xanh là bón thêm phân đạm, sau đó, lúa thường bị lốp, nhiều sâu bệnh mà lại không năng suất. Được tham gia các lớp tập huấn, gia đình tôi đã thực hiện “5 đúng” trong canh tác nông nghiệp: Đúng loại đất, đúng kỳ sinh trưởng, đúng giống cây, đúng phương pháp canh tác và đúng loại phân bón. Nhờ vậy, vài vụ gần đây, năng suất lúa của gia đình luôn đạt hơn 2 tạ/sào, cao hơn 0,6 tạ/sào so với trước đây. Lượng thóc dưa thừa, gia đình tôi nấu rượu, chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống.Tôi thấy lợi ích sử dụng phân bón Lâm Thao đối với cây trồng giúp tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Còn anh Nguyễn Văn Hà, ở xóm Thác Dài, xã Tức Tranh (Phú Lương) cho biết: “Nhà tôi có 1 mẫu chè, mỗi lứa cho thu hoạch được gần 2 tạ chè khô. Trước đây, chúng tôi cứ thấy trời mưa là đem phân NPK các loại vãi cho cây chè, sau đó, phân bị nước mưa cuốn trôi đi hết, cây chè vẫn cằn cỗi. Từ ngày được tập huấn, bà con chúng tôi đã biết cách cuốc hố cạnh gốc chè và bón phân, sau đó, vùi đất để cây trồng hấp thu dần dần, tránh bị rửa trôi gây lãng phí.
Không chỉ riêng bà Mai, anh Hà mà còn rất nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tin dùng sản phẩm phân bón Lâm Thao. Là đơn vị sản xuất phân bón đứng đầu cả nước, thương hiệu “Ba nhành lá cọ xanh” của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao trở nên quen thuộc với nông dân.
Thời gian qua, Công ty đã nghiên cứu, sản xuất các loại phân bón dựa trên cơ sở khoa học, các định luật về phân bón như định luật tối thiểu tạo ra các sản phẩm phân bón phục vụ bón phân cân đối, góp phần giúp nông dân có những mùa vàng bội thu. Đặc biệt, trong phân bón NPK-S Lâm Thao thế hệ mới, thành phần lân có 2 loại là lân tan trong nước và lân không tan trong nước với tỷ lệ thích hợp, bổ sung thêm các nguyên tố trung, vi lượng, cải tạo đất chua phèn, nâng cao hiệu quả bón phân. Loại dinh dưỡng lân tan trong nước từ supe lân giúp cho cây sớm nảy mầm, phát triển nhanh bộ rễ, hạn chế bệnh nghẹt rễ lúa, bệnh chân chì huyết dụ đối với cây ngô và chống rét cho cây. Loại dinh dưỡng lân không tan trong nước có trong lân nung chảy cung cấp lân cho cây ở giai đoạn sau, hạn chế bốc hơi, rửa trôi phân bón.
Năm 2017, năm 2018, sản phẩm phân bón NPK-S Lâm Thao của Công ty đã vinh dự đạt Top 10 sản phẩm chất lượng cao Việt Nam; thương hiệu Lâm Thao “Ba nhành lá cọ xanh” đạt Top 20 thương hiệu phát triển bền vững. Ngoài việc khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước, Công ty còn mở rộng xuất khẩu sang thị trường các nước như: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand... |
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất gần 2 triệu tấn phân bón các loại; trong đó, sản lượng tiêu thụ trên địa bàn Thái Nguyên là hơn 60.000 tấn, chiếm khoảng 60% thị trường phân bón toàn tỉnh. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến đề vừa tăng sản lượng, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng các loại phân bón, phù hợp với nhiều loại cây trồng, vùng thổ nhưỡng.