Bình Dương đồng bộ giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:08, 03/12/2019

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT Bình Dương đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm

Bình Dương được bao bọc bởi 3 sông lớn gồm sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, cùng với 1 sông nội tỉnh là sông Thị Tính. Xác định các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều góp phần bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Dương không ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai riêng mà ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 3450 ngày 28/12/2015.

Theo Sở TN&MT Bình Dương, để triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, Bình Dương đã tập trung triển khai thực hiện 13 dự án ưu tiên đầu tư và 23 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đối với 13 dự án ưu tiên đầu tư, đến nay, tất cả các dự án đều có Quyết định do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án hoặc chủ trương đầu tư, nhiều hạng mục trong từng dự án đã hoàn thành hoặc đang triển khai thi công, tổng vốn đầu tư đã giải ngân cho các dự án đến giữa nhiệm kỳ là hơn 8.050 tỷ đồng, so với kế hoạch 5 năm đạt 60%.

Bình Dương tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Còn đối với 23 nhiệm vụ trọng tâm, đến nay, 21/23 nhiệm vụ đã được tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện, trong đó, có 14 nhiệm vụ đã hoàn thành với chất lượng cao làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo trong thời gian tới; 2/23 nhiệm vụ chưa triển khai là do đặc thù là đến cuối năm 2019 hoặc năm 2020 mới bắt đầu triển khai, tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đến tháng 9/2019, hơn 43 tỷ đồng, so với kế hoạch 5 năm đạt 70%; 8/10 chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 nhưng đến năm 2017, đã đạt được và hiện nay, tiếp tục duy trì; còn 2/10 chỉ tiêu sẽ tiếp tục được chú trọng tập trung thực hiện để đạt được vào năm 2020.

Ngoài ra, để phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường liên tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương với UBND TP.HCM ký kết Kế hoạch liên tỉnh số 6315 về tăng cường phối hợp kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh phối hợp với TP.HCM tăng cường tuyên tuyền và thanh kiểm tra và xử lý vi phạm kiểm soát ô nhiễm suối Nhum, suối Xuân Trường, suối Cái.

Đối với quản lý khai thác cát tại vùng giáp ranh, trong năm 2019, tỉnh Bình Dương đã phối hợp với tỉnh Tây Ninh thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát khu vực hồ Dầu Tiếng và xử lý nghiêm các bến bãi hoạt động không có giấy phép trong khu vực này cũng như không thực hiện cấp giấy phép lại cho các bến bãi đã hết hạn.

Chú trọng thanh kiểm tra

Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm vẫn được tỉnh Bình Dương tiếp tục chú trọng chỉ đạo thực hiện. Theo đó, trong 9 tháng năm 2019, Sở TN&MT Bình Dương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 615 đơn vị, xử phạt vi phạm 157 đơn vị với số tiền trên 14,5 tỷ đồng. Đồng thời, Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất môi trường cấp tỉnh và cấp huyện tiếp tục phát huy được hiệu quả, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về môi trường. Trong 9 tháng năm 2019, Đội liên ngành đã tiến hành kiểm tra và xử lý 11/18 đơn vị với số tiền trên 3 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003, Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Bình Dương không còn cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và cũng không phát sinh cơ sở mới. Ngoài ra, theo Sở TN&MT, đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 98/109 nguồn thải có lưu lượng từ 500m3/ngày trở lên đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát chất lượng nước thải, giúp kiểm soát liên tục hơn 85% tổng lượng nước thải công nghiệp và gần 30% tổng lượng nước thải đô thị trên địa bàn tỉnh.

Kết quả quan trắc môi trường và diễn biến môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2019 cho thấy, chất lượng môi trường nước mặt của hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Bình Dương có cải thiện nhưng phần hạ lưu vẫn còn ô nhiễm hữu cơ. Trong đó, kết quả quan trắc sông Sài Gòn cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn cho phép, chất lượng nước sông Đồng Nai tại các vị trí quan trắc có cải thiện so với năm 2018, còn chất lượng nước sông Bé tại các vị trí quan trắc cũng có cải thiện so với cùng kỳ các năm trước và đều đạt sử dụng vào mục đích tưới tiêu và các mục đích tương tự.

Lãnh đạo Sở TN&MT nhận định, mặc dù, môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2019 có cải thiện hơn so với năm 2018, nhưng hiện nay, vẫn ô nhiễm hữu cơ nhất là khu vực hạ nguồn. Nguyên nhân chủ yếu là do phát triển công nghiệp và gia tăng dân số cơ học nhanh, nước thải và chất thải công nghiệp, đô thị chưa được thu gom, xử lý triệt để hoặc đã được thu gom, xử lý nhưng chưa đảm bảo quy chuẩn cho phép xả thải ra môi trường.

Tập trung đầu tư dự án xử lý ô nhiễm

Lãnh đạo Sở TN&MT cho hay, Bình Dương đã và đang tích cực triển khai thực hiện các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bình Dương đã đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp như: Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một có công suất xử lý 17.500 m3/ngày và hiện nay, đang nâng công suất lên 32.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Thuận An có công suất xử lý 17.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An có công suất xử lý 20.000 m3/ngày.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho khu vực Dĩ An - Thuận An - Tân Uyên (khu vực miếu ông Cù) với công suất 20.000 m3/ngày, dự kiến cuối năm 2019, sẽ đưa vào hoạt động. Năm 2020, Bình Dương sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải đô thị thị xã Bến Cát. Đến nay, nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 60% và dự kiến đến năm 2020 đạt trên 70% lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Bình Dương cũng triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân Compost - giai đoạn 2 với công suất 840 tấn/ngày.

Trong năm 2019, Bình Dương còn triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, khảo sát xây dựng dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Đồng thời, hàng năm, tỉnh Bình Dương đều triển khai trục vớt lục bình khai thông dòng chảy, vệ sinh môi trường trên các sông và hệ thống kênh, rạch. Còn về quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Đô thị tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1701 ngày 26/6/2012, trong đó, có lồng ghép quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải.

Để triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, tỉnh Bình Dương tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường theo phân cấp. Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 11/3/2019; ban hành Quy định mức chi nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND ngày 25/7/2019. Hiện tại, tỉnh Bình Dương xây dựng và chuẩn bị ban hành lại Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương thay thế Quy định ban hành kèm theo Quy định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 16/6/2016.

Riêng đối với việc thẩm định và cấp phép, Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương, cho biết định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương là theo hướng công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường nên công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường luôn được tỉnh chú trọng hàng đầu, ngay từ sàng lọc dự án đầu tư để thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, hạn chế hoặc không thu hút các dự án đầu tư vào các khu vực đô thị đông dân cư hoặc thuộc các ngành nghề có mức độ ô nhiễm môi trường cao.

Tường Tú