Sơn La: Còn nhiều khó khăn xử lý chất thải chăn nuôi
Môi trường - Ngày đăng : 15:33, 30/11/2019
Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện chỉ có khoảng 20% số lượng gia súc gia cầm nuôi tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại thuộc cấp tỉnh, huyện quản lý |
Theo số liệu từ Sở TN&MT Sơn La, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung thuộc đối tượng phải lập Đề án bảo vệ môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường do UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt. Tại các cơ sở này đã có biện pháp xử lý chất thải như sử dụng đệm lót sinh học, bể biogas, hồ sinh học…
Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 12 Đề án bảo vệ môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Ban hành Công văn hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở thực hiện trách nhiệm sau khi được phê duyệt.
Từ năm 2018 tới nay, Sở TN&MT đã triển khai thanh, kiểm tra với 7 cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn. Qua đó, đã hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm 01 cơ sở cố tình vi phạm, không thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
Đồng thời, Sở đã chủ động, kịp thời kiểm tra xác minh thông tin phản ánh ô nhiễm do cơ sở chăn nuôi, có hướng dẫn hoặc xử lý vi phạm với cơ sở. Hướng dẫn UBND cấp huyện, thành phố trong việc xác minh, xử lý ô nhiễm.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Sơn La, chăn nuôi chủ yếu quy mô nhỏ lẻ tại các hộ gia đình khoảng 70-80%. Các hộ chăn nuôi đa phần không khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, nên việc quản lý thực hiện các chính sách, pháp luật, quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi còn nhiều khó khăn và bất cập.
Hầu hết các hộ chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ chưa có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh mà thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, không khí, và sức khỏe người dân xung quanh.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Việc giết mổ chủ yếu ở các cơ sở nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, với khoảng 573 cơ sở. Chất thải tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này không được thu gom và xử lý, phần lớn chỉ được xử lý lọc thô và thải trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nguồn nhân lực bố trí cho công tác quản lý nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi còn hạn chế. Phòng Quản lý môi trường của Sở TN&MT chỉ có 8 biên chế, phụ trách môi trường của hầu hết các lĩnh vực trên địa bàn. Phòng TN&MT các huyện, thành phố đa số chưa có cán bộ có chuyên môn chuyên trách về mảng môi trường.
Để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, tỉnh Sơn La đang tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi về các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi |
Để quản lý hiệu quả hơn chất thải chăn nuôi trong thời gian tới, Sở TN&MT đang tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, gồm: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa như xem xét thẩm định về môi trường các dự án đầu tư kết hợp với công tác thanh, kiểm tra và xử lý hành chính. Kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý môi trường các cấp, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường. Hướng dẫn hộ chăn nuôi về các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Tiếp tục triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Đặc biệt, tăng cường triển khai có hiệu quả các chính sách đã được Trung ương, tỉnh phê duyệt nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hữu cơ như: Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 28/2/2019, của UBND tỉnh Sơn La quyết định về phương án hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020.
Hướng dẫn, định hướng cho các các cơ sở chăn nuôi theo hướng sản xuất sạch hơn, nhằm tránh hoặc giảm bớt lượng chất thải được phát sinh ra, sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng và nguyên vật liệu, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho môi trường. Tuyệt đối nghiêm cấm các hoạt động chăn nuôi diễn ra trên khu vực đầu nguồn nước nếu không có hệ thống xử lý môi trường đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.