TP Thái Nguyên nỗ lực xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 15:31, 30/11/2019
Từ khi TP Thái Nguyên sáp nhập thêm 5 xã, phường thì lượng rác thải sinh hoạt đã tăng lên nhanh. Hiện nay, mỗi ngày Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên thu gom gần 260 tấn rác thải sinh hoạt, tăng khoảng 30 tấn/ngày so với năm 2018.
Với khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tăng nhanh trong thời gian qua, trong khi công suất thiết kế của Nhà máy xử lý rác thải rắn chỉ đạt 150 tấn/ngày nên bãi rác Đá Mài có nguy cơ quá tải trong khoảng 5 năm tới.
Từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đã thu gom trên 80.000 tấn rác thải sinh hoạt của TP Thái Nguyên để đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài và bãi rác Đá Mài. Trong đó, có gần 50.000 tấn được xử lý bằng phương pháp nhiệt hóa, đạt hơn 60% lượng rác được thu gom; gần 30.000 tấn được chôn lấp hợp vệ sinh.
Kho chứa rác thải sinh hoạt của Nhà máy xử lý rác thải rắn Đá Mài. |
Bãi chôn lấp rác Đá Mài rộng 25 ha, nằm hoàn toàn trong một thung lũng sâu. Bốn bề bao quanh là núi đồi cao và đều được người dân phủ xanh bởi rừng sản xuất. Trước đây, khi xây dựng bãi rác thải này, TP Thái Nguyên san lấp, tạo mặt bằng dưới đáy, lu lèn chặt rồi lót đáy bằng tấm nhựa HDPE dày để chống thấm.
Dẫn chúng tôi đi thực tế bãi rác Đá Mài, lãnh đạo nhà máy giới thiệu chi tiết từng hạng mục công trình xử lý môi trường. Quả thật, đứng giữa bãi rác thải lớn nhất nhì các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nhưng không thấy có ruồi nhặng, mùi hôi thối như các bãi rác khác.
Lý giải về điều này, ông Đỗ Văn Thái, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài cho biết: “Rác thải được đưa về đây khoảng 260 tấn mỗi ngày. Rác được được phân loại, những loại rác không phân hủy như vỏ chai nhựa, túi ni lông được được phân ra để tái chế. 50% lượng rác được đốt trong nhà máy. Số lượng rác dễ phân huỷ được chở lên bãi, dùng máy ủi san phẳng, lu lèn, phun chế phẩm, dùng tro của nhà máy đốt rác và đất để lấp kịp thời. Nước rỉ từ bãi rác được thu gom, bơm hút về trạm xử lý nước thải ở phía dưới bãi rác với nhiều công đoạn, như xử lý vi sinh, lọc bằng cát, lọc bằng than hoạt tính trước khi chảy ra hồ lắng. Tại hồ lắng, công nhân trạm xử lý nước rỉ rác nuôi nhiều loại cá, nước từ hồ lắng thải ra môi trường bảo đảm các quy chuẩn”.
Công nhân đang vận hành lò đốt rác thải 1000 độ C tại Nhà máy xử lý rác thải rắn Đá Mài. |
Khảo sát ý kiến nhân dân sinh sống quanh khu vực bãi rác Đá Mài được ông Nguyễn Trung Kiên ở xóm Hồng Thái I, xã Tân Cương cho biết: Gia đình tôi sống gần bãi chôn lấp rác Đá Mài và Nhà máy xử lý chất thải Đá Mài nhưng không thấy có nhiều mùi hôi thối, môi trường xung quanh khá ổn.
Hệ thống ống dẫn, bể nước xục khí thải để lọc khói độc, bụi trước khi xả hơi nước ra môi trường. |
Nhà máy xử lý chất thải Đá Mài được Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Thái Nguyên đầu tư 100 tỷ đồng, có công suất thiết kế đốt 150 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Rác thải sinh hoạt được đưa về đây đốt trong mô đun 1000 độ C. Tro rác được vận chuyển về bãi rác Đá Mài làm vật liệu phủ lấp rác. Khói được xử lý lắng lọc bụi trong môi trường nước để loại bỏ bụi, khí độc hại trước khi thải ra môi trường. Kết quả quan trắc định kỳ và đột xuất của Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên về khí thải của nhà máy thải ra môi trường bảo đảm các quy chuẩn.
|
Theo lãnh đạo Nhà máy xử lý rác thải rắn Đá Mài, để xử lý triệt nguồn rác thải sinh hoạt của TP Thái Nguyên hiện nay, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đang chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ để triển khai xây dựng dây chuyền xử lý rác bằng phương pháp nhiệt hóa giai đoạn 2. Khi xây dựng thêm dây chuyền sẽ góp phần xử lý toàn bộ số rác thải sinh hoạt tăng vượt như hiện nay.
TP Thái Nguyên đã và đang xử lý lượng rác hằng ngày rất lớn góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động đến môi trường. Mô hình hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đang phát huy hiệu quả rất tốt, cần được tiếp tục đầu tư vốn mở rộng nhà máy, nhân rộng mô hình cho các địa phương khác học tập.