Sạt lở bờ biển Bến Tre ngày càng nghiêm trọng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:31, 29/11/2019
Biển xâm thực làm mất đất, mất rừng |
Tại Cồn Lợi - khu vực ven biển cửa sông Hàm Luông thuộc ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú, Bến Tre), những dãy cây rừng phi lao phòng hộ làm nhiệm vụ chắn sóng đã bị nước đánh trôi, nhiều tuyến đê ven bờ cũng bị xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng, làm cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn.
Đứng thẩn thờ bên phần đất còn lại của gia đình, bà Lê Thị Biên (61 tuổi) nghẹn ngào cho biết: “Trước đây, tôi có hơn 02 ha đất làm vuông nuôi tôm. Hiện giờ đã sạt mất hơn 01 ha. Tôi đã cất 2 căn nhà hơn 700 triệu đồng cũng bị lở trôi xuống biển, giờ phải dựng cái chòi ở tạm canh giữ phần đất còn lại. Hôm rồi, vuông tôm hơn 100 triệu đồng sắp đến ngày thu hoạch cũng bị nước cuốn trôi, mất trắng”.
Không chỉ có bà Biên, mà rất nhiều hộ dân làm ăn sinh sống nới đây cũng đều cảm thấy bất an, lo lắng mỗi khi mặt biển lại nổi lên cơn sóng dữ. Ông Nguyễn Văn Hưởng (68 tuổi, ngụ Cồn Lợi) cho rằng, từ nhiều năm nay sóng biển đã ăn sâu vào đất liền khu vực ven biển này lên đến hàng trăm mét. Riêng gia đình ông Hưởng có 9 công đất thì cũng bị cuốn trôi hơn 3 công. Theo ông Hưởng, mỗi lần bị sạt lở, ông phải huy động lực lượng đắp bờ đê tạm ngăn sóng, bảo vệ phần đất còn lại để mưu sinh.
Các ngành chức năng Bến Tre khảo sát khu vực sạt lở tại Cồn Lợi (Thạnh Phú) |
Ông Nguyễn Văn Quyết - Giám đốc HTX Thủy sản Thạnh Lợi (nuôi nghêu phía ngoài Cồn Lợi) cho biết, sạt lở làm cát lấp bãi nghêu gây chết nghêu giống, thu hẹp diện tích bãi nuôi. Năm nay, HTX Thủy sản Thạnh Lợi bị thiệt hại khoảng 20% sản lượng, trôi mất gần 200 tấn nghêu nuôi, do lượng nghêu hao hụt nên vụ khai thác này coi như không có lợi nhuận. Ông Quyết cũng cho rằng, do sạt lở phức tạp nên HTX buộc phải di dời trụ sở vào sâu bên trong đất liền để ổn định chỗ nơi làm việc cho đơn vị.
Theo UBND xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), khu vực Cồn Lợi đang sạt lở nghiệm trọng có chiều dài 1.500m, xâm thực vào đất liền khoảng từ 50-100m. Sạt lở làm mất đất của 13 hộ dân với diện tích 11,25ha; đồng thời, sóng biển đánh mất 02 căn nhà, 01 trụ sở làm việc của Bộ đội Biên phòng, 100m bờ kè và ngập úng 10ha hoa màu. Hiện khu vực này vẫn đang tiếp tục bị đe dọa, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân đang định cư, canh tác trên khu vực với diện tích khoảng 120ha.
Người dân vùng ven biển dùng bao cát chứa đất gia cố đê bao |
Ông Nguyễn Quang Thương - Chi cục phó Chi cục Thủy Lợi Bến Tre cho biết: Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình sạt lở bờ biển tại Bến Tre ngày càng nghiêm trọng. Thời gian qua, bên cạnh các giải pháp phi công trình như vận động người dân cùng ứng phó với thiên tai, cắm biển báo sạt lở, trồng cây chắn sóng, gây bồi,... ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện các giải pháp công trình. Tuy nhiên, theo ông Thương, do nguồn lực thực hiện có hạn, nên tỉnh cũng kiến nghị cấp trên hỗ trợ để Bến Tre khắc phục sạt lở, ứng phó với thiên tai gây nên.
Còn theo ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre, qua khảo sát, cac đơn vị chức năng nhận định khả năng các khu vực ven biển sẽ tiếp tục sạt lở, xâm thực sâu vào khu vực đất của người dân. Đặc biệt trong mùa gió chướng nước biển dâng với sóng to, gió lớn, người dân trong khu vực cần phải di dời đi nơi khác sinh sống tạm.
Cũng theo ông Điền, hiện tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kính phí khoảng 325 tỷ đồng để đầu tư xây dựng giải pháp chống sạt lở, xâm thực các khu vực nghiêm trọng cần xử lý cấp bách nhất hiện nay như khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú); Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri); khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.
Tỉnh Bến Tre thử nghiệm túi ống Geotube để làm kè mềm chống sạt lở bờ biển |
Qua thống kê của các ngành chức năng, trên toàn tỉnh Bến Tre có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138km; trong đó sạt lở bờ biển có 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19km. Sạt lở lấn sâu vào trong đất liền trung bình hàng năm từ 10 - 15m, làm mất trên 120ha đất và 54ha rừng phòng hộ ven biển.
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung mọi nguồn lực để khắc phục những điểm sạt lở xung yếu, khôi phục hàng chục ha rừng, góp phần hạn chế kịp thời sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo đó, tỉnh Bến Tre có 01 khu vực bờ sông và 3 khu vực bờ biển với chiều dài gần 7.000m bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý. UBND tỉnh Bến Tre cũng đã thống nhất phương án đầu tư 3 dự án khẩn cấp theo Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ, với kinh phí 140 tỷ đồng.