Siêu bão Kammuri có khả năng đi vào biển Đông trong mấy ngày tới

Tin tức - Ngày đăng : 18:22, 29/11/2019

(TN&MT) - Từ khoảng ngày 04/12, cơn bão Kammuri đang hoạt động ở phía Đông Phi-líp-pin có khả năng đi vào Biển Đông.

Trước đó, thông tin dự báo ngày 29/11 cho thấy bão Kammuri sẽ đổ bộ miền trung Philippines với sức gió xấp xỉ 200 km/h.

Siêu bão Kammuri sẽ đổ bộ miền trung Philippines với sức gió xấp xỉ 200 km/h

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam và được bổ sung liên tục trong những ngày tiếp theo, từ đêm 01/12, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Sóng biển cao 2 – 4m. Biển động mạnh; từ đêm 01/12, khu vực Vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao 2 – 3m. Biển động.

Về tình hình khí tượng thủy văn tuần tới, Trung tâm Dự báo KTTV cho biết, thời tiết khu vực Bắc Bộ từ ngày 30/11 đến ngày 02/12 nhiều mây, ít mưa, riêng chiều tối và đêm 01/12 các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và khu vực các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình có khả năng xuất hiện mưa, mưa nhỏ rải rác.

Từ ngày 03 đến ngày 06/12 phổ biến không mưa, ngày trời nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh, từ ngày 02/12, đêm và sáng trời rét.  Mực nước các sông suối khu vực Bắc Bộ tiếp tục biến đổi chậm theo xu thế xuống.

Đối với khu vực Trung bộ từ ngày 30/11 đến 01/12, khu vực Trung Bộ có mưa vài nơi, riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông trong ngày 30/11.

Từ đêm 01 đến 02/12, khu vực từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Phía Bắc đêm và sáng trời rét.

Từ ngày 03 đến ngày 06/12, có mưa vài nơi, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông trong ngày 03/12. Phía Bắc đêm và sáng trời rét. Mực nước trên các sông ở Trung Bộ có dao động.

Còn đối với Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 30/11-06/12, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ít mưa, ngày trời nắng. Mực nước trên các sông ở Tây Nguyên, Nam Bộ biến đổi chậm.

Tuyết Chinh