Nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước lưu vực sông La Ngà

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:16, 29/11/2019

(TN&MT) – Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết, mặc dù kết quả quan trắc trên sông La Ngà cho thấy chất lượng nước tương đối tốt, đa số các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong quy chuẩn môi trường cho phép; tuy nhiên, một số vị trí quan trắc có giá trị các thông số COD, BOD5, TSS, N-NO2- vượt quy chuẩn.

Nuôi trồng thủy sản trên sông La Ngà tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, hiện nay, trên địa bàn các huyện có lưu vực sông La Ngà chảy qua tập trung các cơ sở sản xuất kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ lẻ chủ yếu là sản xuất gạch, chế biến mủ cao su, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, chế biến hạt điều, tinh bột mì và khai thác khoáng sản…tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Trong đó, huyện Tánh Linh có 300 cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung, 03 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 07 cơ sở khai thác cát lòng sông La Ngà, 01 cơ sở sản xuất đũa tre và 01 chợ nông thôn nằm tiếp giáp sông La Ngà, khoảng 950 hộ dân sinh sống ven sông La Ngà tập trung tại xã La Ngâu, Đức Bình, Đồng Kho và thị trấn Lạc Tánh.

 Huyện Đức Linh gồm 372 cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung trên toàn huyện, 06 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, 224 lồng nuôi cá trên sông La Ngà, 02 cơ sở khai thác cát lòng sông, 24 hộ dân với 348 người sinh sống ven sông La Ngà, hầu hết các dự án đầu tư đều cách xa lưu vực sông La Ngà

Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thường xuyên gây ô nhiễm môi trường; một số trang trại lợi dụng trời mưa to, lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra bên ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, một số nơi còn ảnh hưởng đến nguồn nước cấp sinh hoạt; một số trang trại chăn nuôi heo nằm quá gần khu dân cư thải mùi hôi thối nên bị người dân phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân có thói quen thải bỏ các bao bì thuốc bảo vệ thực vật hoặc súc rửa các bình phun xịt thuốc sau khi sử dụng xuống sông, suối và đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông La Ngà.
Đặc biệt, tại khu vực giáp ranh sông Giêng – sông Ui giữa 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường, như: Nhà máy sản xuất cồn của Công ty TNHH Tùng Lâm (có lưu lượng nước thải khoảng 2.100 – 2.500 m3/ngày đêm) và Cơ sở chế biến tinh bột mỳ Phan Thành Tâm (có lưu lượng nước thải khoảng 200 – 250 m3/ngày đêm).

Bên cạnh đó, đến nay, trên địa bàn 03 huyện có lưu vực sông La Ngà chảy qua vẫn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, hầu hết nước thải sinh hoạt của các khu dân cư đều theo hệ thống chảy trực tiếp ra sông, suối.

Nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước

Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời, động bộ để bảo vệ nguồn nước lưu vực sông La Ngà.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch “Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát ô nhiễm bảo vệ môi trường nước lưu vực sông La Ngà”. Sở TN&MT đã tổ chức lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng nước sông La Ngà (4 đợt/năm) tại 07 vị trí trên địa bàn 03 huyện: Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh nhằm để theo dõi diễn biến chất lượng nước trên lưu vực sông. Ngoài ra, Sở TN&MT còn tổ chức quan trắc, lấy mẫu nước mặt tại 40 vị trí khác tại các sông, ao hồ khác trên địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT Bình Thuận cũng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp sản xuất có phát thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong 09 tháng đầu năm 2019,  đã có 14 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền là hơn 1,8 tỷ đồng. Qua đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu các doanh nghiệp phải nhanh chóng khắc phục hành vi vi phạm, hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ pháp lý, thực hiện các công trình bảo vệ môi trường liên quan trong quá trình hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Hồ Lâm, trong thời gian qua, Sở TN&MT đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương giáp ranh trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ  tài nguyên nước nói riêng.

Trong đó, Bình Thuận và Đồng Nai đã thường xuyên phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình bảo vệ môi trường tại khu vực giáp ranh; phối hợp xử lý thông tin phản ánh về tình hình ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất tại khu vực giáp ranh. Qua đó, cùng nhau tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý về bảo vệ môi trường, đồng thời học hỏi kinh nghiệm trong việc thực hiện bảo vệ môi trường nói chung, đã tạo nên sự thống nhất và đồng thuận trong việc quản lý bảo vệ môi trường tại khu vực giáp ranh.

Từ đó, hai địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đảm bảo công tác phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dọc lưu vực sông Ui, sông Giêng tại địa bàn giáp ranh.

Đến nay, vấn đề ô nhiễm do mùi hôi tại Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài ( TP.Phan Thiết), mặc dù có giảm đáng kể so với trước đây nhưng do đặc thù ngành nghề, đặc biệt là chế biến bột cá nên vẫn còn mùi hôi đặc trưng; mặt khác vị trí cụm công nghiệp nằm trong lòng thành phố, gần các khu dân cư nên đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực xung quanh cụm công nghiệp.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân được đầu tư trên địa bàn xã Vĩnh Tân ( huyện Tuy Phong), trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm và hoạt động, các dự án trên thường xuyên gây ô nhiễm môi trường; đặc biệt từ khi các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4 đi vào vận hành và hòa mạng lưới điện thì cử tri thường xuyên phản ảnh việc xả khí thải, bụi và tro xỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

 

 

Linh Nga