Áp lực rác thải nhựa ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 12:40, 29/11/2019
Lo ngại ô nhiễm
Ô nhiễm nhựa đang là một vấn đề nhức nhối đối với nhiều lưu vực sông trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Vu Gia – Thu Bồn là lưu vực sông lớn thứ chín tại Việt Nam và được xem là hệ thống sông lớn duy nhất tại khu vực miền Trung Việt Nam đổ ra biển Đông từ khu vực Hội An.
Qua kết quả thống kê sơ bộ từ nhóm tư vấn chất thải và nguồn (RWA) thông qua dự án được tài trợ bởi Viện Nước quốc tế Thụy Điển (SIWI) trong tháng 10/2019, ba nguồn rác thải chủ yếu phát sinh trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn gồm: rác thải sinh hoạt, rác thải thương mại và rác thải du lịch với tổng lượng phát sinh đạt gần 1.650 tấn/ngày (khu vực đô thị chiếm gần 70%).
Rác thải nhựa tấp vào biển Đà Nẵng sau mỗi trận mưa lớn |
Bà Vũ Thu Hà, chuyên gia đến từ Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là 281 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải nhựa không được thu gom là 36,5 tấn/ngày. Ô nhiễm nhựa tiềm tàng nguy cơ dẫn đến áp lực cho các loài thủy sinh, hủy hoại giá trị thẩm mỹ các bãi biển cũng như tích tụ chất độc sinh học rò rỉ từ chất thải nhựa.
“Giả định, khoảng 10% đến 25% lượng chất thải không được kiểm soát sẽ đi vào các nguồn nước. Kết quả là sẽ có khoảng từ 3,7 - 9,1 tấn chất thải nhựa có khả năng rò rỉ hàng ngày vào các nguồn nước.”– bà Vũ Thu Hà chia sẻ.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện IUCN, cho rằng do đặc thù lưu vực sông khu vực miền Trung có độ dốc lớn, nước chảy nhanh nên các tác động, tổn thương từ thượng nguồn sẽ lan xuống hạ lưu nhanh hơn lưu vực sông ở những vùng khác. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong bảo vệ nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trước tình trạng ô nhiễm.
Bờ kè xã Tam Hải (Núi Thanh, Quảng Nam) ngập rác do sóng tấp vào |
Hiện nay, nay một lượng lớn chất thải từ đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn theo dòng nước chảy xuống vùng hạ lưu tỉnh Quảng Nam như TP. Hội An, xã Tam Hải (Núi Thanh), huyện Duy Xuyên… Còn tại TP. Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, rác hữu cơ có chiều hướng giảm sút và sự tăng lên của rác thải nhựa cũng như vật chất không xác định theo hướng vô cơ.
Tiến tới quản lý có hệ thống
Trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu rác thải nhựa như không sử dụng nước đóng chai bằng nhựa dùng 1 lần ở các cuộc họp chính quyền, thực hiện các sáng kiến, mô hình chống sử dụng đồ nhựa một lần, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn… Đặc biệt, tại TP. Hội An, hàng loạt nhà hàng, khách sạn đã thực hiện kinh doanh hướng tới không chất thải (không ống hút nhựa, không chai nhựa PET, phân loại rác tại nguồn để làm compost, tái chế, xà phòng từ dầu ăn thải...)
Tháng 12/2016, với sự hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy của IUCN, UBND TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã ký thỏa thuận hợp tác trong ba năm (2017 – 2020) thí điểm thực hiện “Quản lý Tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và khu vực ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng” sử dụng cách tiếp cận từ Đỉnh núi xuống Rạn san hô (R2R). Ban điều phối chung (JCC) đã được hai bên thành lập để giải quyết các vấn đề liên vùng liên tỉnh và chịu trách nhiệm xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động và thực hiện.
JCC thông qua tham vấn với IUCN và các đối tác đã quyết định lựa chọn rác thải rắn là dòng chảy ưu tiên tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Việc xác định dòng chảy chính về rác thải rắn cũng phù hợp với những cam kết và đồng thuận cao từ tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và Việt Nam liên quan đến cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Khách du lịch thu gom rác ở sông Hoài - hạ lưu sông Thu Bồn |
Tuy nhiên, khó khăn của các chính quyền địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam chính là tìm ra công nghệ xử lý rác phù hợp, vị trí đặt các cơ sở xử lý chất thải mới, trong khi đó, lượng rác thải nhựa nhất là nhựa dùng một lần lại có dấu hiệu gia tăng; việc phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả; những đồ nhựa sử dụng một lần trên thị trường quá tiện lợi và quá rẻ nên người dân lạm dụng….
Lưu vực sông, vùng bờ biển và biển có mối quan hệ tương tác nhau, trong đó vùng bờ biển là không gian chuyển tiếp giữa lưu vực sông và biển, có tầm quan trọng đặc biệt. Theo các chuyên gia của SIWI, cần có các cách tiếp cận tổng hợp quản lý rác từ nguồn tới biển (S2S) để quản lý vấn đề ô nhiễm nhựa từ đất liền ra sông và biển.
Khung quản lý S2S sẽ tập trung vào tính kết nối và liên quan lẫn nhau giữa các lưu vực sông và vùng ven biển với mục đích giải quyết một cách tổng thể vấn đề quản lý đất, nước ngọt và hệ sinh thái để kiểm soát và hạn chế rác thải nhựa từ các nguồn khác nhau đổ ra biển và hệ thống nước ngọt.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao cách tiếp cận quản lý rác từ nguồn tới biển, nhất là đối với những địa phương có điều kiện tự nhiên về sông, suối và biển như Quảng Nam và Đà Nẵng.
“Trước hết, chúng tôi tập trung nâng cao nhận thức của người dân từ vùng núi đến ven biển, ven sông hiểu được rằng mỗi hành động của mình đều tác động đến cộng đồng, nhất là những địa phương ở khu vực đầu nguồn. Đồng thời là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hai tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng với sự tương tác lẫn nhau, phù hợp với từng địa phương trong vấn đề xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa “- ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.