Tái chế chất thải rắn: Doanh nghiệp Việt chưa có nhiều lợi thế
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 13:26, 28/11/2019
Chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho biết: “Để làm được “nghề rác” thành công, phải rất đam mê với rác, yêu rác, phải kiên trì, thậm chí, phải liều lĩnh. Ở người làm rác, luôn có trách nhiệm lớn với xã hội, có một tâm can tốt thì mới có thể vượt qua các khó khăn, rào cản hiện nay”.
PV: Là một doanh nghiệp Việt tham gia xử lý rác, theo ông, các doanh nghiệp “nội” có lợi thế cạnh tranh gì so với các đối tác nước ngoài và những khó khăn gặp phải khi làm “nghề rác”?
TS. Nguyễn Đình Trọng:
Nếu nói đến thuận lợi của các doanh nghiệp Việt tham gia xử lý rác, tôi cho rằng không có nhiều, có chăng chỉ là hiểu rác thải hơn, hiểu văn hoá mua sắm của người Việt. Mặt khác, khó khăn đổi lại vô cùng lớn như: Đa số các doanh nghiệp Việt non trẻ, quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm, vốn ít, khó có thể đầu tư dài hạn. Chính sách thu hút của Nhà nước chưa tốt, chưa rõ ràng trong lĩnh vực này, ngân sách còn ít, lúng túng và chưa quyết liệt trong chính sách thu hút Nhà đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt.
Hơn nữa, tâm lý sính ngoại vẫn còn, nhiều cơ quan ban ngành và nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng sản phẩm nhập khẩu mới tốt, Việt Nam chưa làm được. Chính những bất lợi này, khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khi tham gia xử lý rác, dễ nản lòng nếu không kiên trì và đam mê thực sự.
Để thấy rõ khó khăn khi xử lý rác, tôi lấy một ví dụ cụ thể. Tại nông thôn, rác chủ yếu được chôn lấp không hợp vệ sinh, thậm chí, nhiều nơi đối diện với nguy cơ không còn đất để chôn lấp. Vậy nhưng, xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn thực sự khó, do người dân ở phân tán, không tập trung, khó thu gom; lượng rác ít, khó áp dụng công nghệ tiên tiến; người dân còn nghèo nên khó thu tiền xử lý rác.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch và lựa chọn địa điểm xử lý rác tại nhiều nơi trên toàn quốc rất khó khăn, do người dân phản đối, sợ ô nhiễm sau khi xử lý. Do vậy, để xử lý được rác thải nông thôn một cách triệt để cần phải có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, cần có sự phối hợp từ các cơ quan đoàn thể để vận động người dân hiểu và cùng tham gia công tác xử lý rác.
Lò đốt rác thải Ảnh: Hoàng Minh |
PV: Về cơ chế chính sách, hiện có bất cập hay công tác quản lý Nhà nước có tạo khó khăn cho doanh nghiệp hay không? Để tháo gỡ những khó khăn đó, theo ông, cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cần mở cơ chế như thế nào?
TS. Nguyễn Đình Trọng:
Theo tôi, cơ chế chính sách trong lĩnh vực xử lý rác còn rất nhiều bất cập. Đơn giá xử lý còn thấp, tính cam kết của Nhà nước cho Nhà đầu tư chưa có, hoặc chưa rõ ràng. Cụ thể, nhiều tỉnh/thành phố không dám cam kết lượng rác cấp cho Nhà máy, không dám cam kết đơn giá xử lý tối thiểu ổn định cho dự án. Do vậy, các nhà đầu tư không dám đầu tư, hoặc rất rụt rè trong vấn đề đầu tư. Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư 100% cho lĩnh vực xử lý rác thải, nhưng họ cần một cơ chế rõ ràng của các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Nếu không sửa đổi, vấn đề rác thải vẫn là một chủ đề nhức nuối trong nhiều năm tới.
Tôi cho rằng, chúng ta nên xác định, các nguồn thu tái chế từ rác chỉ là nguồn thu thêm để giảm chi ngân sách Nhà nước cho việc xử lý rác. Trong vấn đề này, doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân, là người phải chủ động vận hành, xử lý, tái chế rác, tạo ra các nguồn thu tối đa từ rác. Khi đó, Nhà nước và người dân đóng vai trò ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành khi cần.
Công ty CP Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam được thành lập năm 2002, trước đây, được biết đến là một hãng sản xuất thiết bị khoa học công nghệ trong lĩnh vực thí nghiệm và kiểm định xây dựng. Từ buổi ban đầu là một công ty nhỏ, đơn vị đã vươn lên thành Tập đoàn có thương hiệu mạnh - uy tín với Trụ sở chính và Nhà máy chế tạo thiết bị tại Hà Nội, ba Chi nhánh tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và hai Nhà máy xử lý rác thải công suất lớn tại Nghệ An.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xử lý rác, Nhà nước cần có các chính sách rõ ràng hơn, cam kết mạnh mẽ hơn như: Cam kết cấp đất sạch cho các nhà máy rác, cam kết lượng rác đầu vào tối thiểu,cam kết đơn giá xử lý tối thiều, cam kết thanh toán kịp thời cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư trong lĩnh vực rác.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!