Cần minh bạch hóa thị trường xử lý tro, xỉ

Môi trường - Ngày đăng : 12:00, 28/11/2019

(TN&MT) - Có một thực tế, những đơn vị không đầu tư hệ thống công nghệ xử lý nhưng lại mượn hồ sơ pháp lý của đơn vị khác không đủ  điều kiện để tham gia vào việc thu mua, xử lý tro, xỉ từ các nhà máy. Từ đó, dẫn đến  cạnh tranh không lành mạnh với những đơn vị xử lý thực sự.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đại - Phó Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Thành Đại Phú Mỹ (Hải Phòng) khi trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về việc doanh nghiệp tham gia vào thị trường xử lý tro, xỉ hiện nay.

Đưa xỉ thép “quay vòng” tái sử dụng hoàn toàn

Công ty Cổ phần Thành Đại Phú Mỹ (Hải Phòng) bắt tay vào xử lý xỉ luyện thép từ tháng 8/2015 khi nhà máy tại Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động. Đến nay, hơn 85% sản phẩm sau xử lý của doanh nghiệp là phụ gia xi măng và được cấp cho hàng chục nhà máy xi măng trên cả nước; hơn 12% sản phẩm làm vật liệu xây dựng, thay thế đá tự nhiên, được xuất cho các dự án trong các khu công nghiệp. Từ thành công của Dự án Nhà máy sản xuất phụ gia xi măng bột từ và vật liệu xây dựng từ tái chế xỉ thép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ đã triển khai xây dựng Nhà máy tái chế sản phẩm phụ ngành luyện kim tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, TP. Hải Phòng.

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Văn Đại - Phó Giám đốc của Công ty, nhà máy được xây dựng trên diện tích đất sử dụng: 25.257 m2, nhằm xử lý, tái chế xỉ thép công suất 2.000 tấn/ngày, xử lý chất thải đi kèm phế liệu sắt, thép nhập khẩu công suất 400 tấn/ngày. Sản phẩm sau khi xử lý xỉ thép được sử dụng làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng 1.960 tấn/ngày; sản phẩm bột từ, sắt thu hồi 40 tấn/ngày. Sản phẩm sau khi xử lý chất thải đi kèm phế liệu sắt, thép nhập khẩu gồm bột từ, sắt thu hồi 60 tấn/ngày; phế liệu nhựa, ni lông, gỗ, bìa carton, kim loại khác 100 tấn/ngày; sản phẩm tận thu làm vật liệu xây dựng 230 tấn/ngày.

Sau 3 năm triển khai các thủ tục để được xây dựng nhà máy, đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư 150 tỷ đồng để xây dựng nhà máy. Hiện, nhà máy đang vận hành thử nghiệm và xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.

Ưu điểm lớn nhất của nhà máy là xử lý xỉ thép được tái sử dụng hoàn toàn. Theo đó, phụ phẩm từ nhà máy thép để chế biến thành các làm nguyên liệu thay thế cho vật liệu tự nhiên để sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng và các sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường. Sản phẩm đầu ra được cung cấp cho các công trình xây dựng trong các khu công nghiệp, các khu vực lân cận và góp phần hạn chế việc khai thác tài nguyên khoáng sản.

Để sử dụng tối đa công ích từ xỉ thép, Công ty Cổ phần Thành Đại Phú Mỹ đã đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, đồng bộ, giúp sản phẩm làm ra đều được tái sử dụng làm nguyên liệu cho những ngành sản xuất khác như luyện kim, xi măng, vật liệu xây dựng nên không phát sinh chất thải thứ cấp. Nước sản xuất được tuần hoàn qua hệ thống bể lắng, tràn và được đưa quay trở lại quá trình sản xuất nên không phát sinh nước thải. Công ty còn áp dụng biện pháp làm ẩm nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất đồng thời trang bị hệ thống phun sương trong từng công đoạn sản xuất (nghiền, sàng, tuyển tách từ) nên hạn chế được vấn đề bụi phát sinh trong quá trình sản xuất.

“Với công nghệ này, chúng tôi đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong quá trình xử lý chất thải công nghiệp. Việc xỉ thép được tái chế, tái sử dụng hoàn toàn không chỉ tạo lợi ích cho doanh nghiệp ba bên (đơn vị thải bỏ - đơn vị xử lý - đơn vị sử dụng) mà còn là minh chứng cho việc khai thác đúng giá trị từ chất thải, cho thấy hiệu quả của mô hình kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu manh nha ở Việt Nam”, ông Đại chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đại trao đổi với PV tại Nhà máy Tái chế sản phẩm phụ ngành luyện kim (Hải Phòng) Ảnh: Kiên Cường

Cấp thiết minh bạch hóa thị trường

Lãnh đạo Nhà máy tái chế sản phẩm phụ ngành luyện kim cho biết, khi đặt chân vào thị trường tái chế xỉ thép ở TP. Hải Phòng, cơ hội mở ra lớn khi nhu cầu cung ứng phụ gia của các nhà máy xi măng ở khu vực rất lớn, có tính ổn định, bền vững. Trong khi đó, các nhà sản xuất thép tại Hải Phòng và khu vực phía Bắc cũng cần xử lý xỉ thép theo đúng quy định của pháp luật. Bởi vậy, đóng vai trò có tính trung gian, đảm bảo cán cân “cung - cầu” của thị trường, khi đầu tư nhà máy, Công ty Cổ phần Thành Đại Phú Mỹ nhận được sự quan tâm của UBND TP. Hải Phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, giúp thủ tục cấp phép xây dựng nhanh chóng phê duyệt. Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thẩm định, phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường theo đúng trình tự quy định. Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện thủ tục xin xác nhận đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo đúng quy định tại Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Phản ánh những bất cập tồn tại khi tham gia tái chế chất thải công nghiệp, ông Nguyễn Văn Đại rất tâm tư: “Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý tro xỉ, công ty nhận thức rõ được giá trị kinh tế (tận dụng được nguồn nguyên vật liệu tài chế), tầm quan trọng bảo vệ môi trường (giảm thiểu phát sinh khí thải, hạn chế khai thác tài nguyên) mà lĩnh vực này đem lại. Tuy vậy, còn có một thực tế tồn tại, đang có những đơn vị không đầu tư hệ thống công nghệ xử lý nhưng lại mượn hồ sơ pháp lý của đơn vị khác không đủ điều kiện để tham gia vào việc thu mua, xử lý tro xỉ từ các nhà máy. Những đơn vị này chỉ nhằm thu lợi từ việc tách kim loại có gái trị còn xỉ không qua xử lý đem chôn lấp gây ô nhiêm môi trường. Từ đó, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh với những đơn vị xử lý thực sự”.

“Vậy nên vấn đề minh bạch hóa thị trường xử lý tro xỉ là rất cần thiết giúp đảm bảo quyền lợi, sự ổn định cho những đơn vị đầu tư xử lý chân chính góp phần bảo vệ môi trường cho toàn xã hội” - ông Đại đề xuất.

Để tạo tính minh bạch của thị trường và mở cơ hội cho các nhà đầu tư có công nghệ tốt và năng lực tài chính, đại diện Công ty Cổ phần Thành Đại Phú Mỹ cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường cần đưa ra biện pháp, chế tài quản lý chặt chẽ hơn về việc xử lý chất thải rắn công nghiệp đảm bảo chất thải được chuyển giao cho những đơn vị có đầy đủ chức năng xử lý. Địa phương cũng cần có chính sách và quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực môi trường, xử lý chất thải, đồng thời, tạo điều kiện, cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp xử lý chất thải tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng và quỹ bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng cần ban hành tiêu chuẩn khi đưa tro xỉ tái chế vào ứng dụng đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm tái chế từ tro xỉ ứng dụng vào các công trình xây dựng thay thế cho vật liệu tự nhiên.

 

TỐNG MINH -  KIÊN CƯỜNG