Ma trận "cát tặc" trên dòng Krông Nô: Tàu “ma” - bến “lậu”
Khoáng sản - Ngày đăng : 11:20, 28/11/2019
Tràn lan tàu khai thác cát không phép
Dòng Krông Ana (sông Mẹ, một nhánh của sông Sêrêpốk), đoạn chân cầu Giang Sơn (giữa huyện Cư Kuin và Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk) có nhiều bãi tập kết cát khổng lồ hàng ngày vẫn được bồi thêm từ hàng chục chiếc tàu tải trọng lớn dưới sông. Phần lớn số tàu PV ghi hình được đều không có số tàu, ghi tên doanh nghiệp khai thác (được cấp phép) bên hông tàu theo quy định. Dù có phản ánh của người dân, nhưng những con tàu không số vẫn hối hả bơm cát lên bờ, để tiếp tục đi khai thác. Người dân cho biết, việc hàng chục con tàu không số, không có giấy phép khai thác… vẫn lén lút hoạt động khiến đất nông nghiệp ven sông bị sạt lở thường xuyên, chưa được ngăn chặn…
Hàng chục bến thủy nội địa "lậu" đua nhau mọc lên như nấm sau mưa |
Mới đây nhất, trong quá trình tuần tra kiểm soát tình trạng khai thác cát dọc tuyến sông Krông Nô, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt quả tang 4 tàu cùng người điều khiển phương tiện đang hút cát trái phép thuộc thôn Cao Sơn, xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô, Đắk Nông). Tại thời điểm bắt giữ, lực lượng chức năng thu giữ khối lượng cát đã hút lên 4 tàu hơn 115m3. Chính hoạt động khai thác cát trái phép của 4 tàu đã làm khu vực này sạt lở. Cụ thể, chiều dài bờ sông bị sạt lở với 59m, chiều sâu kéo dài 24m, đa phần là đất sản xuất nông nghiệp của người dân.
Điều đáng nói, trong số 4 tàu bị bắt giữ, có 3 tàu mang biển hiệu Đoàn kết và 1 tàu có biển hiệu Công ty Tây Nguyên. Trong quá trình làm việc, cả 4 chủ tàu này đều không có bất kỳ hồ sơ hay giấy tờ chứng minh được phép khai thác cát tại địa điểm trên. Báo cáo của UBND huyện Krông Nô cho biết, khu vực các tàu hoạt động khai thác cát trái phép thuộc đoạn sông cấp phép cho Công ty CP Vật liệu xây dựng Tây Nguyên nhưng qua xác minh, các tàu này chưa được phía công ty đăng ký hoạt động.
Hàng chục tàu không số vẫn lén lút hoạt động khiến đất nông nghiệp ven sông sạt lở thường xuyên |
Nhập nhằng bến bãi
Ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, Công ty CP Vật liệu xây dựng Tây Nguyên đã được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép khai thác cát từ năm 2015 nhưng đơn vị không được cấp phép bến bãi. Trước đây, Công ty đã từng bị xử phạt do tập kết cát sai quy định, đổ cát lên phần đất chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
Theo tài liệu PV có được, hiện nay, một số doanh nghiệp được tỉnh này cấp phép nhưng bến bãi lại nằm ở tỉnh khác. Cụ thể, Công ty CP Vật liệu xây dựng Tây Nguyên được cấp phép khai thác trên đoạn sông Krông Nô (Đắk Nông) nhưng bến bãi lại nằm bên huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Hoặc ngược lại, mỏ cát Quỳnh Mai được cấp phép khai thác cát ở phía bên kia sông thuộc huyện Lắk (Đắk Lắk) nhưng bến bãi lại nằm ở phía thôn 2, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông).
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 58, các bến bãi phải có camera và trạm cân nhưng qua khảo sát, có rất nhiều đơn vị khai thác chưa lắp hệ thống cân tải. Cụ thể, tại mỏ cát Quỳnh Mai 1 và 2, Công ty CP Vật liệu xây dựng Tây Nguyên, Hợp tác xã vật liệu xây dựng khai thác cát Đoàn Kết… đều chưa có trạm cân tải.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, địa phương hiện có hơn 60 tàu khai thác cát, trong đó, có 3 tàu chưa đăng ký, 38 tàu hết hạn đăng kiểm. Theo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, tất cả các tàu khai thác cát trên sông Krông Ana do người dân tự đóng, nên số tàu thực tế hoạt động trên sông Sở GTVT không nắm được nên việc đăng ký, đăng kiểm gặp khó khăn… “Sở GTVT chỉ nắm được tàu đăng ký, còn số tàu không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn hoạt động trên sông thuộc trách nhiệm của công an” - một cán bộ Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho hay, hiện, toàn tỉnh có 190 phương tiện, trong đó, phương tiện khai thác cát đã đăng kiểm chỉ mới ở con số 13. Ông Mạnh cho biết thêm, đa số các phương tiện thủy đều đóng tự phát, không có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, không có hồ sơ hợp lệ theo quy định. Vì vậy, việc cấp đăng kiểm và cấp đăng ký để hoạt động rất khó.
Ông Mạnh thông tin thêm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không có cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy, không có trung tâm đăng kiểm phương tiện thủy nội địa nên công tác đăng ký, đăng kiểm và đào tạo thuyền viên gặp nhiều khó khăn. Ông Mạnh khẳng định, với những phương tiện lậu khi hút cát, vi phạm quy định bắt buộc phải tạm giữ, nhưng vì chưa có bãi tạm giữ cũng như kinh phí để thực hiện việc trông giữ nên tính cưỡng chế của vi phạm đường thủy hết sức khó khăn.
Tàu "ma" ngày đêm cày xới dòng Krông Nô |
Giải bài toán chống khai thác cát lậu
Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở GTVT, Công an tỉnh và các địa phương tăng cường quản lý các tàu khai thác cát không đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn. UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Sở GTVT Đắk Lắk vừa xây dựng kế hoạch sẽ hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm các tàu hút cát. Vì vậy, Sở GTVT phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và khẩn trương thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm tàu bè, đặc biệt, tàu hút cát trên sông theo đúng nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh trước đó. Tỉnh Đắk Lắk giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Sở GTVT và các địa phương kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các tàu khai thác cát hiện nay không có (hoặc hết hạn) đăng ký, đăng kiểm, bằng thuyền trưởng…
Trong một diễn biến mới nhất, ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông vừa ký văn bản kiến nghị đề xuất đối với các phương tiện thủy nội địa khai thác cát trên địa bàn. Theo đó, sẽ lắp đặt camera giám sát hành trình ở cabin của phương tiện thủy khai thác cát. Với việc lắp đặt camera giám sát hành trình sẽ giám sát và bao quát quá trình hoạt động của phương tiện. Ngoài ra, phương tiện thủy khai thác cát cũng được gắn định vị giám sát hành trình. Đây là “chìa khóa” để giải bài toán chống khai thác cát lậu một cách hiệu quả nhất.
Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, tổng số phương tiện đường thuỷ phải đăng ký, đăng kiểm là 107 nhưng chỉ 33 chiếc chấp hành. Được biết, chỉ riêng tại khu vực cầu Giang Sơn có khoảng 30 - 40 tàu chuyên khai thác cát nhưng chỉ có 6 - 7 chiếc có đăng kiểm. Trong năm qua, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện xử lý, lập biên bản 143 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hành chính 129 trường hợp (61 trường hợp không đăng ký, đăng kiểm), thu số tiền hơn 130 triệu đồng.