TP.HCM triển khai hiệu quả Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai
Môi trường - Ngày đăng : 10:57, 28/11/2019
Kiểm soát chặt nguồn thải
Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 4.335 cơ sở sản xuất công nghiệp có hoạt động xả thải nước thải ra môi trường, trong đó, có 3.035 cơ sở bên ngoài khu công nghiệp và 1.300 cơ sở trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Để kiểm soát chặt các nguồn thải này, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nước thải phải được xử lý đảm bảo trước khi thải ra môi trường.
Theo đó, Sở TN&MT đã hoàn thành kết nối truyền nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động liên tục về nước thải đối với 39 đơn vị ngoài khu công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn và 18 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đến nay, hoạt động khai thác, nạo vét cát trái phép trên sông, đặc biệt, khu vực giáp ranh giữa các địa phương như: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Đồng Tranh và vùng biển Cần Giờ vẫn chưa được quản lý hiệu quả. Đồng thời, ô nhiễm tại khu vực kênh Ba Bò và Suối Nhum - Suối Cái thuộc tỉnh Bình Dương và TP.HCM chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Trong năm 2019, Sở TN&MT đã thành lập 7 Đoàn kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của 131 doanh nghiệp trên địa bàn. Cũng trong năm 2019, TP.HCM đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính bảo vệ môi trường đối với các cá nhân/tổ chức, tổng cộng số tiền phạt là 5,8 tỷ đồng. Trong đó, Thanh tra Sở TN&MT đã ban hành 26 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 1,65 tỷ đồng; đã tham mưu UBND thành phố ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 4,16 tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố đã kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm của 235 doanh nghiệp trên địa bàn, ban hành 118 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân/tổ chức, tổng cộng số tiền phạt là 10 tỷ đồng.
Về kiểm soát nước thải sinh hoạt đô thị, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều dự án xử lý nước thải đô thị. Dự kiến đến năm 2020, có 3 nhà máy xử lý nước thải triển khai gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 nâng công suất từ 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày; Nhà máy Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 1 công suất 131.000 m3/ngày hiện đang trong giai đoạn vận hành; Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày. Ngoài ra, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu, lựa chọn đầu tư đối với 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung (Tây Sài Gòn, Tân Hóa - Lò Gốm, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân).
TP.HCM tăng cường phối hợp với các tỉnh giáp ranh bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai |
Tăng cường phối hợp liên tỉnh
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, để thực hiện có hiệu quả Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, TP.HCM xác định phối hợp liên tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, TP.HCM đã tích cực, chủ động và triển khai có hiệu quả Quy chế số 37/QCPH ngày 6/2/2017 về phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay, Sở TN&MT TP.HCM đã lập kế hoạch phối hợp với từng tỉnh cụ để triển khai các nhiệm vụ đã được UBND các tỉnh đồng thuận. Cụ thể, TP.HCM và các tỉnh đã phối hợp chia sẻ thông tin về chất lượng môi trường nước sông, kênh rạch giáp ranh, môi trường không khí; phối hợp kiểm tra khi có phát sinh các vấn đề ô nhiễm môi trường; chia sẻ thông tin về các mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác; các dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng đường thủy có tận thu khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyên chấp thuận đăng ký tận thu, cụ thể thông tin chia sẻ gồm: tên đơn vị được cấp phép, vị trí cấp phép, chủng loại, trữ lượng khoáng sản được cấp phép, vị trí tập kết sản phẩm tận thu, số hiệu các phương tiện được cấp phép tham gia thi công của từng dự án.
Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện và ngăn chặn hoạt động khai thác, nạo vét cát trái phép trên sông, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa các địa phương như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Đồng Tranh và vùng biển Cần Giờ.
Về giải quyết ô nhiễm tại khu vực kênh Ba Bò và Suối Nhum - Suối Cái thuộc tỉnh Bình Dương và TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp với Sở TN&MT Bình Dương và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tuyến thoát nước ngầm 2 khu công nghiệp đến vị trí xả thải vào kênh Ba Bò (tuyến thoát nước số 4). Phối hợp với Sở TN&MT Bình Dương, Trung tâm Chống ngập, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 và UBND quận Thủ Đức xử lý việc xả thải của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thuê đất của Quân đoàn 4 vào hồ điều tiết thuộc dự án cải tạo kênh Ba Bò.
Đặc biệt, hai địa phương đã phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin kết quả quan trắc chất lượng môi trường định kỳ trên tuyến kênh Ba Bò; chia sẻ tức thời, liên tục số liệu quan trắc nước thải sau xử lý của Khu công nghiệp Sóng Thần I, Sóng Thần II, Khu công nghiệp Bình Chiểu, Khu công nghiệp Linh Trung I...
Kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2019, tại 21 vị trí trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cho thấy, chất lượng nước tại các vị trí lấy nước cấp sinh hoạt đều đạt quy chuẩn sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A. Chất lượng nước mặt tại các khu vực kênh rạch có các công trình nạo vét, cải tạo, chỉnh trang đô thị như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé đã có chuyển biết rõ nét theo hướng tốt hơn. Tuy vậy, đối với vùng kênh rạch giáp ranh liên tỉnh như: Thầy Cai - Cần Giuộc, kênh liên vùng vẫn còn dấu hiệu ô nhiễm, chưa được cải thiện đối với chỉ tiêu DO (oxy hòa tan), chỉ tiêu vi sinh Coliforms, TSS (chất rắn lơ lửng).