Sở Y tế Gia Lai báo cáo vụ 7 trường hợp đã chết nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh
Xã hội - Ngày đăng : 19:35, 27/11/2019
Kết quả kiểm tra thể hiện, 5 trường hợp trong danh sách như các bệnh nhân Chu Thị Hòa, Tạ Quốc Hinh, Trần Khắc Trâm, Phạm Quang Đảo, Ksor Ní đều đúng và trùng khớp với số liệu như ngày nhập viện, ngày điều trị, ngày tử vong và số tiền khám chữa bệnh.
Riêng bệnh nhân Đoàn Văn Hùng nhập Bệnh viện Y học Hoàng Anh Gia Lai khám chữa bệnh từ 9 giờ 26 phút ngày 13/5/2019 đến 10 giờ 20 phút cùng ngày.
Bệnh nhân này có quyết định nhận về việc hưởng chế độ tử tuất 1 lần vào tháng 6/2019. Tuy nhiên, trong phần cập nhật dữ liệu giải quyết chế độ, Bảo hiểm xã hội huyện Chư Prông đã cập nhật nhầm ngày tử vong của bệnh nhân này là ngày 10/5/2019. Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ điều chỉnh ngày chết của bệnh nhân này.
Một số văn bản báo cáo của Sở Y tế tỉnh Gia Lai về vụ việc |
Còn trường hợp bệnh nhân Đoàn Thị Băng Tâm, người này điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định từ ngày 6/12/2018 đến ngày 29/12/2018, chẩn đoán suy thận mạn tính. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác minh được ngày chạy thận cuối cùng của bệnh nhân này là ngày 25/12/2018, tử vong lúc 4 giờ 30 phút ngày 26/12/2018. Như vậy là từ ngày 26 đến ngày 29/12/2018, phát sinh chi phí số tiền 685.000 đồng. Bảo hiểm xã hội Bình Định đã thống nhất không thanh toán số tiền trên ...
Ngoài ra, qua rà soát, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai còn xác định có tới 48 trường hợp đang sống nhưng bị khai tử trên hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điển hình tại huyện Chư Sê, có 4 trường hợp tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, qua xác minh thì phát hiện 3 trường hợp vẫn đang sinh sống tại các địa phương.
Huyện Đak Pơ thì có 9 trường hợp hiện vẫn đang còn sống nhưng trên hệ thống bảo hiểm ghi đã tử vong. Tại TP. Pleiku có 4 trường hợp được ghi nhận đã tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí … Theo giải thích của cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương này thì, nguyên nhân là do khi làm thủ tục để thanh toán, các nhân viên đã bấm nhầm vào ô tử vong.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Gia Lai còn phát hiện có 4 trường hợp được ghi đã tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí không phải do nhầm. Theo đó, Bệnh nhân Rah Mah H’Ngôi (SN 2017, số thẻ TE1646422917206) ghi nhận tử vong lúc 20 giờ 20 phút ngày 4/8/2017 tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, sau khi xác minh tại nơi cư trú thì bệnh nhân này vẫn còn sống. Xác minh lại thì bệnh nhân tử vong không phải là Rah Mah H'Ngôi mà là Rah Lan Mlok (SN 2017). Rah Lan Mlok khi cấp cứu chuyển viện đã mượn thẻ bảo hiểm của bệnh nhân Rah Mah H’Ngôi.
Bệnh nhân Byoch (SN 1954, số thẻ DT2646422025197) đã tử vong ngày 15/11/2018 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai là đúng người. Tuy nhiên, chi phí phát sinh ngày 29/11/2018 và ngày 26/12/2018 là do người nhà đã cầm thẻ bảo hiểm của của bệnh nhân Byoch sử dụng. Bệnh nhân Puih ABớt (SN 1944, số thẻ CK2646422935596) được ghi nhận tử vong ngày 6/5/2018 nhưng xác minh tại nơi cư trú bệnh nhân này vẫn còn sống. Người chết là ông Puih Phơnh (SN 1959, số thẻ CK2646422286133) khi đi khám chữa bệnh đã cầm nhầm thẻ của chị gái là Puih A Bớt.
Bệnh nhân Kpuih Blơr (SN 1959, số thẻ DT2646422291071) đã tử vong ngày 17/9/2018, việc phát sinh chi phí ngày 20/12/2018 và ngày 28/12/2018 là do người nhà lấy thẻ của bệnh nhân này đi khám, cơ sở y tế đã đối chiếu chứng minh nhân dân không đúng dẫn đến việc phát sinh chi phí sau khi đã tử vong...
“Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cần phải chấn chỉnh công tác cập nhật dữ liệu trên phần mềm hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong quá trình giải quyết chế độ tại bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố để không xảy ra trường hợp tương tự” - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Nguyễn Đình Tuấn cho hay.