Chuyên gia khí tượng thủy văn phân tích tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020
Môi trường - Ngày đăng : 18:21, 27/11/2019
Xâm nhập mặn đã diễn ra và đi sâu vào đất liền
Ông Vũ Đức Long cho biết, theo quy luật tự nhiên, hiện đang trong giai đoạn mùa khô nên mực nước sông Mê Công đang xuống dần. Hiện tại, thượng lưu của lưu vực sông Mê Công, dòng chảy đang giảm dần và thiếu hụt khá nhiều; đặc biệt là vùng trung và hạ lưu sông nhiều điểm đã xuống thấp lịch sử cùng thời kỳ.
Tổng lượng dòng chảy tháng 11 tại trạm Cheang Sean (Thái Lan) thấp hơn TBNN 52%, thấp hơn năm 2015 33%; tại trạm Kratie (Cam Pu Chia) thấp hơn TBNN 59%, thấp hơn năm 2015 29%.
Ông Vũ Đức Long - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia |
Trong khi đó, lượng dòng chảy ở Biển Hồ (CamPuChia) cũng thiếu hụt khá là nhiều so với trung bình nhiều năm. Hiện tại, tổng lượng Biển Hồ thấp hơn TBNN 21,9 tỷ m3, cao hơn 2015 1,05 tỷ m3.
Về phía đầu nguồn sông Cửu Long, ông Vũ Đức Long cho hay, mực nước sông Cửu Long đang lên theo triều, hiện nay đang là thời kỳ đỉnh điểm của đợt triều cường.
Còn về trình trạng xâm nhập mặn, theo như số liệu mới nhất mà Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận được, độ mặn 4% đã xâm nhập vào đến khu vực Bến Tre cho thấy tình trạng xâm nhập diễn ra khá sớm và sâu vào đất liền.
Nguy cơ cao hạn hán, thiếu nước
Theo ông Vũ Đức Long, trạng thái ENSO tiếp tục được dự báo ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng trong tháng cuối năm 2019 và nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái này cho đến nửa đầu năm 2020. Nền nhiệt không chỉ ở khu vực ĐBSCL và trên toàn quốc đều tăng cao lên khoảng 0,5 đến 1,5 độ.
Cùng với đó là sự thiếu hụt lượng mưa. Theo tính toán, trong các tháng mùa khô lượng mưa ở khu vực ĐBSCL và trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt khá nhiều, từ 20 – 30% so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, lượng mưa ở khu vực Tây nguyên và Nam Bộ vào tháng 12/2019, TLM phổ biến 10-40 mm. Tháng 01 và tháng 02/2020 phổ biến ít mưa. Tháng 03/2020 phổ biến thấp hơn từ 10-20%. Tháng 4 đến tháng 5/2020 phổ biến xấp xỉ so với TBNN”, ông Long nói.
“Nguy cơ cao xảy ra tình hình thiếu nước, khô hạn và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ có trong mùa khô 2019-2020" ông Long nhận định.
Tình trạng xâm nhập diễn ra khá sớm và sâu vào đất liền ở ĐBSCL. Ảnh minh họa |
Cũng theo chuyên gia KTTV, tổng lượng nước về đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục suy giảm, từ tháng 12/2019-2/2020 thiếu hụt từ 25-35%; các tháng cuối ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10-30%.
Cụ thể là từ tháng 12/2019 đến tháng 02/2020, tổng lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long khoảng 25,6 tỷ m3 thiếu hụt so với TBNN 3,4 tỷ m3, thấp hơn so với năm 2018-2019 10,1 tỷ m3; từ tháng 3-05/2020 tổng lượng dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long khoảng 26,4 tỷ m3 ở mức cao hơn với TBNN 6,9 tỷ m3, thấp hơn năm 2019 9,8 tỷ m3.
Những con số này cho thấy tình trạng thiếu nước, khô hạn nguy cơ rất là cao. Xâm nhập mặn các tháng đầu mùa khô tại các tỉnh ĐBSCL ở mức cao hơn, sâu hơn TBNN. Khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và sâu hơn mùa khô năm 2018-2019 và TBNN.
Cùng với đó, khoảng cách xâm nhập mặn vào trong sông từ 45-65 km, riêng sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn sâu trên 70 km. Đặc biệt là các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang.
Không chủ quan với hạn hán, xâm nhập mặn
Hiện nay, các bản tin cảnh báo thiên tai đã và đang được Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thường xuyên và liên tục cập nhật trên các phương tiện truyền thông, và gửi đến các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện…
Chính vì vậy, ông Long khuyến cáo người dân cần theo dõi, lắng theo dõi các thông tin, thông báo về hạn hán, xâm nhập mặn từ các phương tiện truyền thông, các bản tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia để có phương án ứng phó kịp thời.
Đặc biệt, tuyệt đối không chủ quan trước các hiện tượng thiên tai xảy ra, không nên so sánh thiên tai nào là cần quan tâm và thiên tai nào là không cần quan tâm.
Đối với chính quyền, cần động cập nhật các bản tin dự báo thời tiết, khí hậu và các hiện tượng cực đoan phục vụ việc ra quyết sách ứng phó với thiên tai và chỉ đạo sản xuất. Ví dụ như việc cập nhật các bản tin dự báo mùa vào kế hoạch và chỉ đạo sản xuất của địa phương theo kế hoạch.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra như: chủ động tích nước phục vụ tưới tiêu khi xảy ra khô hạn…
Ngoài ra, cần phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan trung ương trong đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ cụ thể cho địa phương về cảnh báo, dự báo thiên tai và ứng phó thiên tai. Tăng cường kiến thức cho cán bộ quản lý và người dân về thiên tai, hạn hán và các giải pháp ứng phó.