Lào Cai: Giảm thiểu thiệt hại thiên tai bằng trạm cảnh báo sớm trượt lở đất đá
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:59, 27/11/2019
Theo khảo sát của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện KHĐCKS), xã Bản Khoang (tỉnh Lào Cai) là khu vực có nguy cơ gặp các thiên tai trượt lở đất nhiều nhất của tỉnh Lào Cai. Đồng thời, cũng là một trong hai điểm (cùng với Mù Căng Chải, Yên Bái) có nguy cơ gặp thiên tai trượt lở đất đá cao nhất tại Việt Nam. Do đó, việc lắp đặt các trạm cảnh báo sớm thiên tai trượt lở đất dạng dòng bùn đất, đá tại hai khu vực này là việc làm hết sức cần thiết.
Trạm cảnh báo sớm trượt lở đất đá được khánh thành và đi vào hoạt động cuối tháng 11/2019 tại Lào Cai. |
Trạm cảnh báo thiên tai tại xã Bản Khoang nằm trong khuôn khổ Đề tài “Nghiên cứu xây dựng thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực cho các khu vực miền núi Việt Nam”. Nghiên cứu có sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia khoa học của Đài Loan – một trong những quốc gia đạt thành công lớn trong công tác cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá cho toàn bộ lãnh thổ Đài Loan.
Đại diện của VNPT cho biết, VNPT luôn hướng tới các hoạt động mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng, trong đó, công tác hỗ trợ bà con tại khu vực thiên tai luôn được VNPT chú trọng. Việc đầu tư xây dựng “Trạm cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian”. Ngoài việc đóng góp sức người sức của trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ với bà con vùng cao Lào Cai, thì việc đồng hành cùng các công trình khoa học nhằm chủ động ứng phó với thiên tai là việc làm cần thiết để địa phương có cơ sở trong công tác chỉ đạo, phòng tránh.
VNPT hy vọng trạm cảnh báo sớm dạng bùn đất đá sẽ là khởi đầu thành công cho nhiều công trình khoa học khác nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra, đặc biệt là các thiệt hại về con người.
Với thế mạnh là đơn vị triển khai đường truyền Internet tốc độ cao, VNPT đã kết nối từ Trụ sở chính của Viện KHĐCKS (Hà Nội) với Trạm cảnh báo tại xã Bản Khoảng (Lào Cai) và hoàn toàn miễn phí trong vòng 5 năm (2019-2024).