Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Xử phạt chủ đầu tư 1 tỷ đồng nếu chậm cấp sổ hồng chưa đủ sức răn đe

Bất động sản - Ngày đăng : 18:43, 26/11/2019

(TN&MT) - Luật sư Nguyễn Hồng Bách – Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế và môi trường cho rằng, Chính phủ ban hành nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý trật tự về đất đai là rất kịp thời. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất 1 tỷ đồng chưa đủ sức răn đe để buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định của phát luật.

Theo Điều 31 tại nghị định số 91/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, việc đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ.

Theo đó, mức thấp nhất là từ 50 ngày đến 6 tháng phạt từ 10 đến 100 triệu đồng; mức vi phạm từ 6 - 9 tháng phạt tối đa 300 triệu đồng; vi phạm từ 9 - 12 tháng phạt tối đa 500 triệu đồng; mức cao nhất là từ 12 tháng trở lên phạt tối đa 1 tỷ đồng.

Trường hợp một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt nhưng tổng số tiền phạt không vượt quá 1 tỷ đồng....

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý trật tự về đất đai được ban hành rất kịp thời, phù hợp với thực tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết, thực tế tại các dự án phát triển nhà ở có sai phạm trong trật tự xây dựng đã gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người mua nhà. Nhất là việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (giấy chứng nhận) cho người mua nhà.

Vì vậy, nghị định 91/2019/NĐ-CP được ban hành rất kịp thời, hoàn toàn phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất 1 tỷ đồng chưa tạo sức răn đe đối với các chủ đầu tư.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách đang trả lời độc giả tại buổi Giao lưu trực tuyến do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức

“ Mức phạt 1 tỷ đồng đối với những dự án nhà có mức đầu tư vài nghìn tỷ đồng không phải là lớn. Trong khi chủ đầu tư có thể trục lợi về tài chính rất nhiều nếu như mang dự án mang khối tài sản vài nghìn tỷ đồng đi cầm cố để vay ngân hàng hoặc chậm nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Như vậy, chủ đầu tư đã chiếm dụng được số tiền rất lớn so với số tiền phạt tỷ đồng.

Vì vậy, họ sẽ kéo dài thời gian hoặc chấp nhận nộp phạt để cố tình chây ỳ không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân. Vì vậy, có lẽ với mỗi quy định của pháp luật, chúng ta cần dựa trên những mặt tồn tại để chúng ta hướng tới hạn chế tồn tại đó ”- ông Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh.

Thùy Linh