Thừa Thiên Huế xây dựng nhà máy xử lý rác hơn 1.600 tỷ đồng
Môi trường - Ngày đăng : 17:21, 26/11/2019
Lượng rác ở Thừa Thiên Huế ngày một quá tải |
Ngày 26/11, trao đổi với PV, bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy). Đây sẽ là nhà máy xử lý rác lớn nhất tỉnh.
Theo đó, dự án Nhà máy xử lý rác Phú Sơn có quy mô đất đai khoảng 65ha; quy mô thu gom bao gồm địa bàn TP. Huế (các phường phía nam sông Hương), thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc; quy mô chôn lấp sức chứa 450.000m3; các phân khu chức năng gồm khu điều hành, phân loại- tái chế, khu xử lý theo công nghệ sinh học; khu đốt rác, chôn lấp, khu xử lý rác thải y tế, khu cây xanh, mặt nước... Công ty China Everbright International Limited làm nhà đầu tư.
Hiện nay, nhà đầu tư đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng thực hiện đầu tư dự án, hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đang triển khai các thủ tục về đầu tư, bao gồm: Lập quy hoạch chi tiết 1/500 thuộc phạm vi dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, lập bổ sung quy hoạch Điện lực quốc gia dự án đốt rác sinh hoạt phát điện xã Phú Sơn… và một số công việc khác. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.
Thời gian hoạt động của dự án 25 năm, thời gian kết thúc dự án tối đa đến năm 2044. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, công suất xử lý 600 tấn rác/ngày đêm.
Về một số ý kiến quan ngại liệu nhà máy có những tác động đến môi trường khi vị trí xây dựng nhà máy gần khu vực thượng nguồn sông Hương, bà Trâm cho hay vị trí quy hoạch xây dựng Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn không thuộc lưu vực thượng nguồn sông Hương.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công suất 600 tấn rác/ngày đêm |
“Mặt khác, đối với công nghệ của nhà máy đã được lựa chọn thì việc kiểm soát khí thải, nước thải ra môi trường phải được giám sát chặt chẽ; Nước thải từ quá trình tiếp nhận rác, xử lý rác... đều được thu gom và được xử lý để tuần hoàn sử dụng cho hoạt động của nhà máy. Trong trường hợp có thải ra môi trường phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam; đảm bảo nước thải sau khi xử lý thải vào lưu vực nước sông dùng cho cấp nước sinh hoạt. Hệ thống quan trắc về nước thải, khí thải sau khi xử lý phải đảm bảo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan trắc kiểm tra, giám sát thông qua cổng thông tin riêng liên kết với mạng lưới giám sát môi trường của bộ ngành địa phương, thuận tiện trong việc giám sát quản lý trực tuyến của Chính phủ. Đồng thời, hệ thống giám sát còn có thể liên kết với hệ thống DCS hoặc hệ thống SIS có thể thực hiện việc giám sát từ xa. Trên lối vào nhà máy sẽ đặt một màn hình hiển thị các thông số về chỉ số khí thải, nước thải thoát ra để người dân giám sát...”, bà Trâm thông tin thêm.
Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh. Bãi lớn nhất hiện tại là ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) do Công ty Tâm Sinh Nghĩa đầu tư đang bị quá tải với công suất 200 tấn rác/ngày, dự kiến năm 2020 sẽ đóng cửa.
Qua thống kê gần nhất, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Riêng khu vực TP. Huế phát sinh mỗi ngày 200 tấn rác sinh hoạt thì có đến 6% là rác nhựa và túi ni lông. Đó là chưa nói lượng chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế, chất thải rắn công nghiệp thải ra hàng ngày...
Nhà máy xử lý rác Phú Sơn hình thành sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm, tái ô nhiễm do chôn lấp và bức thiết nhất là đến thời kỳ đóng cửa các khu chôn lấp do hết sức chứa. Nhà máy đi vào vận hành khai thác không chỉ đảm nhận xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn mà còn là nơi phục vụ giáo dục môi trường, văn hoá bảo vệ môi trường, khu sinh thái du lịch xanh.