Tham vấn lấy ý kiến đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 17:06, 26/11/2019
Ông Trần Phong, Quyền Cục trưởng Cục môi trường miền Nam phát biểu tại Hội thảo |
Hội thảo có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT một số địa phương, đại diện các trường học, doanh nghiệp và gần 30 phóng viên các cơ quan báo chí khu vực phía Nam.
Ông Trần Phong, Quyền Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam cho biết: Bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm đúng mức như là một nhiệm vụ bức bách để tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững của xã hội hiện tại và tương lai. Truyền thông cần và phải được xem như là một công cụ quan trọng, cơ bản tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi hành vi về bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Theo ông Trần Phong, chưa lúc nào mà các vấn đề môi trường được công luận quan tâm đặc biệt như hiện nay, có thể nói không có ngày nào là không có tin tức về môi trường. Hàng ngày, trên tất cả loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát hành, truyền hình và cả mạng xã hội đều có những thông tin liên quan đến môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thùy, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường, trong số rất nhiều thông tin về môi trường hàng ngày thì những tin phản ánh về điểm nóng, về ô nhiễm luôn lấn át những tin về mô hình làm tốt, làm được của công tác bảo vệ môi trường, những giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả cần được nhân rộng.
Vì vậy, chúng ta phải đổi mới công tác truyền thông, làm sao “cân bằng” được lượng thông tin giữa cái được và cái chưa được trong công tác bảo vệ môi trường đến với bạn đọc. Đây là trách nhiệm không chỉ của những người làm báo, những cơ quan truyền thông mà còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phối hợp, chủ động cung cấp thông tin kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Thùy, Q. Giám đốc Trung tâm thông tin và dữ liệu môi trường phát biểu tại Hội thảo |
Cũng tại Hội thảo, ông Trần Phong đã trao đổi nhiều nội dung về cách thức truyền thông bảo vệ môi trường đạt hiệu quả. Theo đó, trước mỗi vấn đề, vụ việc, người người làm báo cần đưa tin đa chiều và cẩn trọng. Khi tiếp cận sự việc, người làm báo cần biết, hiểu về vấn đề đấy, đồng thời có thái độ khách quan, có góc nhìn đa chiều, tổng thể trước khi truyền thông tin đến công chúng.
Còn Nhà báo Bùi Tiến Dũng, Báo Tuổi trẻ chia sẻ: lâu nay, đa phần các cơ quan báo chí chỉ cung cấp thông tin, chất liệu để bạn đọc phán xét, cơ quan chức năng xử lý, điều chỉnh. Tuy nhiên, trong thời điểm bùng nổ thông tin như hiện nay, đặc biệt là báo chí chính thống đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với mạng xã hội thì các cơ quan báo chí cần sớm tiếp cận đến loại hình báo chí giải pháp.
Theo đó, các cơ quan báo chí cần nhận diện, chọn lựa đúng vấn đề “nóng” hiện nay để phản ánh; bắt buộc phải sử dụng chuyên gia để giải đáp hoặc trực tiếp viết bài; đặc biệt các chuyên gia cần tham gia trực tiếp vào quá trình tác nghiệp cùng với phóng viên…
Toàn cảnh Hội thảo |
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe các thông tin mới nhất về các chính sách, số liệu trong công tác bảo vệ môi trường, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt; các giải pháp công nghệ môi trường mới..
Trong đó, ông Đỗ Tiến Đoàn, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường đã thông tin những số liệu mới nhất về khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên cả nước hiện nay. Theo đó, lượng CTRSH phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó lượng CTRSH đô thị khoảng 37.000 tấn/ngày, CTRSH nông thôn khoảng 24.000 tấn/ngày.
Những địa phương có khối lượng CTRSH lớn nhất gồm: TP.HCM phát sinh 9.100 tấn/ngày, Hà Nội 6.500 tấn/ngày, Thanh Hóa 2.246 tấn/ngày, Bình Dương 1.764 tấn/ngày, Đồng Nai 1.838 tấn/ngày. Những địa phương có khối lượng CTRSH ít nhất gồm: Bắc Kạn 190 tấn/ngày, Kon Tum 212 tấn/ngày, Lai Châu 260 tấn/ngày.