Yên Bái: Gạch không nung vẫn khó tìm chỗ đứng
Kinh tế - Ngày đăng : 16:51, 26/11/2019
Thực hiện Quyết định 1469 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã tích cực vào cuộc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường.
Đến nay, toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn tỉnh đã dần chấm dứt hoạt động, thay vào đó là phát triển gạch không nung để đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng trên địa bàn.
Dù được đánh giá có nhiều ưu điểm so với gạch nung truyền thống như: Thân thiện với môi trường, vật liệu cấu thành từ bột đá và xi măng nên ấm vào mùa đông, mát về mùa hè, chống thấm tốt, tiết kiệm vữa xây… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ gạch không nung ở Yên Bái còn hạn chế, đặc biệt là trong các công trình xây dựng của người dân.
Các đơn vị đầu tư máy móc để kiểm tra chất lượng gạch không nung trước khi đưa ra thị trường |
Năm 2016, Công ty cổ phần sản xuất Vật liệu và Xây dựng công trình Tài Đức ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đầu tư trên 14 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất gạch không nung, công suất 13 triệu viên/năm. Tuy nhiên, sau gần 4 năm hoạt động, hiện nhà máy mới chỉ hoạt động khoảng 35% công suất và thường xuyên tồn dư lượng gạch trị giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Khoảng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sản xuất Vật liệu và Xây dựng công trình Tài Đức cho biết: Công ty thường xuyên có chính sách bán gạch ưu đãi cho đoàn viên công đoàn và các hộ nghèo ở vùng lân cận, cho người dân chịu về tài chính. Tuy nhiên thị trường gạch không nung vẫn khó tiếp cận tới người dân.
Chung tình trạng như Công ty Cổ phần sản xuất Vật liệu và Xây dựng công trình Tài Đức, năm 2015, Công ty TNHH Vĩnh Thành tại huyện Yên Bình, cũng đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng bến bãi và nhà xưởng sản xuất gạch không nung theo chủ trương của tỉnh Yên Bái. Nhà máy có công suất 5 triệu viên/năm.
Ngay từ đầu Công ty đã có nhiều cách để giới thiệu sản phẩm, khuyến khích người tiêu dùng như: Giảm giá thành, giúp vận chuyển, tư vấn kỹ thuật xây dựng, cung cấp các chỉ số tiêu chuẩn để người dân yên tâm… Tuy nhiên, hiện nhà máy cũng chỉ hoạt động được nửa công suất, và thị trường chủ yếu vẫn là các công trình sử dụng ngân sách nhà nước.
Nhiều đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang hoạt động cầm chừng |
Ông Phạm Hữu Việt, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành cho biết: "Gạch chúng tôi làm đã được cơ quan kiểm định, phân tích. Đồng thời, trong quá trình sản xuất chúng tôi thường xuyên phải đưa vào máy để kiểm định chất lượng.
Mặc dù các nhà sản xuất đưa ra nhiều ưu điểm và giải pháp kích cầu, nhưng hiện các công trình xây dựng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt là xây dựng nhà ở gần như vắng bóng gạch không nung. Một phần do người dân vẫn có thói quen dùng gạch truyền thống, phần vì còn lại e ngại về chất lượng và độ bền của loại gạch này.
Ông Nguyễn Ngọc Viên, một hộ dân đang làm nhà ở thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi không biết rõ gạch tốt hay xấu nên không dám sử dụng. Từ trước tới nay mọi người đều sử dụng gạch nung qua lửa nên chúng tôi vẫn sử dụng. Bởi xây nhà là phải tích cóp cả đời chứ đâu phải mua mớ rau, con cá ngoài chợ”.
Theo một thợ xây lâu được biết, khi lấy gạch xây nhà hầu hết tất cả các gia đình đều lấy gạch nung qua lửa, còn gạch không nung thì đối với thợ xây ít kinh nghiệm sẽ khó thao tác, độ chính xác không cao. Gạch đỏ khi xây lên tường độ biến dạng ít hơn vì nung rồi độ co ngót không như gạch không nung.
Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân nhưng thị trường vẫn rất ảm đạm |
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn, tỉnh Yên Bái đã ưu tiên phát triển sản suất gạch không nung để bảo vệ môi trường, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, ngoài những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, Yên Bái cũng cần có chính sách khuyến khích và tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích người dân sử dụng loại vật liệu mới nhiều ưu điểm này.