Giá thịt lợn đang bất ổn
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 11:36, 26/11/2019
Đang bị làm giá?
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 13/11/2019, cả nước đã có 8.400 xã có dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, tương đương hơn 300.000 tấn thịt hơi, chiếm 8,5% tổng lượng lợn hơi cả nước. Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cũng cho biết thêm đến điểm này, cả nước đã có trên 5.000 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch mới.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.
Giá lợn tăng cao đau đầu cả người bán lẫn người mua |
Chia sẻ về giá lợn tăng phi mã, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thừa nhận, đúng là giá lợn hơi vừa qua tăng nhanh, nhưng đó là hiện tượng cá biệt.Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hiện tượng này là do trước đây các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn, còn con nào giá đắt như vàng thì đương nhiên giá tăng; nhiều thương lái không tiếp cận được nguồn cung từ các doanh nghiệp lớn do họ bán theo xe, số lượng lớn, theo các mối cung cấp lâu năm.
Ông Dương khẳng định chắc chắn rằng: chúng ta không thiếu lợn đến mức khủng hoảng, nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên còn đàn lợn khá lớn. Vấn đề lưu thông, thông tin đã tạo tâm lý, hiệu ứng xã hội không tốt. Nếu không có sự chỉ đạo tốt thì thương lái sẽ tạo giá ảo, đẩy giá lên.
Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc khảo sát giá thịt lợn tại các khu chợ lớn ở Hà Nội như chợ Hàng Bè, chợ Xanh Định Công, chợ Nghĩa Tân… Giá bán thịt lợn đã tăng lên đến 200 – 220.000 đồng/ kg. Thịt lợn giá bán gần bằng thịt bò chứng tỏ một điều nguồn cung đang thiếu. Tuy vậy, có vẻ như chỉ có người tiêu dùng là lo lắng sốt ruột cho ví tiền của mình còn cơ quan có trách nhiệm quan trọng đến giờ phút này vẫn chỉ có những giải pháp chung chung! Cụ thể, Cục Chăn nuôi thì đưa ra những giải pháp chung chung như: Cần thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là mặt hàng thịt lợn; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vấn đề lưu thông mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt lợn; các địa phương cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát;…
Thịt lợn đang thiếu trầm trọng
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì đã khẳng định thiếu hụt về nguồn cung là rõ ràng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT làm rõ các vấn đề: Kế hoạch của Bộ là giảm thiếu hụt, bù đắp được bao nhiêu, bao nhiêu phải nhập; số lượng đã mất đi thì phải triển khai công tác tái đàn; Bộ đã ngồi tính toán cho từng tỉnh tái đàn như thế nào?
Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định hiện mặt hàng thịt lợn tăng giá rất cao. Rõ ràng nguồn cung thịt lợn thiếu. Thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm. Sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9 - 10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước. Như vậy, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng có thể thiếu mấy chục nghìn tấn thịt lợn. Đây là con số thực tế mà các địa phương có thể biết hơn ai hết.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị gần 60 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT địa phương để có thể xác định chính xác tình hình nguồn cung thịt lợn hiện tại. Để từ đó mới có giải pháp cụ thể cho đảm bảo nguồn cung và công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp trước, trong và ngay sau Tết.
Như vậy, dịch tả lợn châu Phi diễn ra gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và nay là cả người tiêu dùng đang phải mua thịt lợn với giá cao “ngất ngưởng”.