Khắc phục ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Môi trường - Ngày đăng : 11:34, 26/11/2019

(TN&MT) - Các đơn vị của Bộ NN&PTNT phải phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các địa phương liên quan tập trung xử lý dứt điểm các hành vi xả nước thải trái quy định vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải... Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trong đợt kiểm tra một số công trình đầu mối của hệ thống Bắc Hưng Hải mới đây.

Số liệu quan trắc nước định kỳ ở 17 tuyến kênh trong hệ thống Bắc Hưng Hải của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở TN&MT Hải Dương) cho thấy, tất cả các tuyến kênh đều bị ô nhiễm, thông số E.Coli vượt quy chuẩn cho phép từ 2 - 43 lần, thông số NO2 - N vượt từ 1,5 - 4,4 lần; 16 tuyến kênh thông số NH4 +-N vượt từ 1,1 - 21 lần; 6 tuyến kênh có thông số DO không đạt quy chuẩn cho phép; 1 tuyến kênh có thông số PO4 3 - P vượt từ 7,3 - 9,73 lần; 1 tuyến kênh có thông số Coliform vượt 1,24 lần...

Trong khi sắp đến thời điểm cấp nước đổ ải, gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020, nhưng hệ thống này hàng ngày bị đầu độc bởi những dòng nước đen kịt, bốc mùi. Theo thống kê, có tới 1.200 doanh nghiệp của huyện Gia Lâm, Hà Nội xả thải trực tiếp nguồn nước chưa qua xử lý vào hệ thống Bắc Hưng Hải, thông qua cống Xuân Thụy. Kèm theo đó, rác thải từ thượng nguồn cũng trôi về, gây ách tắc tại cửa cống, bốc mùi nồng nặc.

Trước tình trạng này, ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã kiểm tra và chỉ đạo: Các doanh nghiệp thủy lợi kiên quyết không sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới cho cây trồng; đồng thời, triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm trước khi cấp nước cho người dân gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020... Các đơn vị của Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các địa phương liên quan tập trung xử lý dứt điểm các hành vi xả nước thải trái quy định vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải... Đối với 6.000 vụ vi phạm công trình thủy lợi trên toàn hệ thống Bắc Hưng Hải, các địa phương có giải pháp giải tỏa, trả lại nguyên trạng cho các công trình.

Ảnh minh họa

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tập trung xử lý 40 điểm xả nước thải dân sinh, công nghiệp trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Ngoài giải pháp trên, thành phố Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 3 hệ thống thu gom xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm; trong đó, hệ thống xử lý nước thải An Lạc có công suất 39.000m3/ngày đêm; hệ thống xử lý nước thải Ngọc Thụy có công suất 22.000m3/ngày đêm và hệ thống xử lý nước thải Phúc Đồng có công suất 40.000m3/ngày đêm. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiến hành thanh tra 10 tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm có hoạt động xả nước thải vào sông Cầu Bây…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đề nghị các cơ quan liên quan cần phải đánh giá lại toàn bộ chức năng của sông Bắc Hưng Hải; có quy hoạch tổng thể cho sông Bắc Hưng Hải để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông trong hệ thống, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước...

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đòi hỏi vận hành liên tỉnh, giải quyết liên ngành và địa phương. Bởi vậy, công việc trước mắt mang tính cấp bách cần địa phương tiến hành rà soát toàn bộ dự án khu công nghiệp, bãi rác có nguồn nước thải lớn, bên cạnh xử phạt hành chính, yêu cầu các chủ đầu tư có lộ trình bắt buộc trong vòng 1 năm, các nhà máy phải quan trắc tự động nguồn thải lớn, đảm bảo thải ra môi trường nước thải đảm bảo theo quy định, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật. Trong trường hợp sau 1 năm không đáp ứng sẽ cưỡng chế tạm dừng hoạt động dự án, nhà máy.

Bộ yêu cầu Sở TN&MT các địa phương khoanh vùng xác định tùy tính chất, mức độ ô nhiễm để nâng cao quy chuẩn xả thải cho đến khi đáp ứng yêu cầu, tạm thời không cho phép, cấp phép mới các dự án xả thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải, tăng cường đầu tư hệ thống giám sát môi trường chất lượng nước, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu.

 

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng từ năm 1958, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 135.000ha và tiêu úng cho 185.000ha đất canh tác; tạo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, làng nghề, nuôi trồng thủy sản cho khoảng 3 triệu hộ dân của thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, hệ thống thủy lợi này phải tiếp nhận 435.195m3 nước thải, với các thành phần: Amoni, Nitrit, Coliform vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Chất lượng nước tại nhiều điểm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải không bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

Thảo Linh