Ngân sách môi trường - “Miếng bánh” khó chia: Dàn trải khó đột phá

Môi trường - Ngày đăng : 10:19, 26/11/2019

(TN&MT) - Sau nhiều năm triển khai sử dụng ngân sách sự nghiệp môi trường đã bộc lộ những vấn đề cần căn chỉnh trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính quý giá này với công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

Nhiều địa phương chi dưới 1%

Điểm sáng nhất dễ nhận thấy khoản chi thường xuyên ngân sách môi trường trở thành nguồn lực tài chính quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương bố trí cho các hoạt động bảo vệ môi trường hàng năm. Đáng tiếc, điểm sáng này chưa đủ mạnh, tạo gam màu chủ đạo cho bức tranh chi ngân sách môi trường, nên vùng "mờ - ảo" vẫn đang chi phối.

Đầu tư dàn trải - các Bộ, ngành và địa phương đều được hưởng ngân sách nhưng khó tạo được đột phá. Điều này được làm rõ ngay tại Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách Nhà nước về bảo vệ môi trường năm 2019; phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, năm 2019, ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường Trung ương là 2.290 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2019, chúng ta đã phân bổ 1.185,293 tỷ đồng, đạt 51,8% (vốn trong nước 685,293 tỷ đồng; vốn ngoài nước 500 tỷ đồng).

Đối với ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường địa phương, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu hướng dẫn là 13.900 tỷ đồng, chiếm 85,86% so với tổng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của cả nước; số được Hội đồng nhân dân các tỉnh thông qua là 18.152.741 triệu đồng (lớn hơn 4.252.741 triệu đồng so với số giao của Bộ Tài chính), trong đó, có 44/63 tỉnh/thành phố chi cao hơn số giao của Bộ Tài chính.

Từ thực tiễn đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chỉ rõ những tồn tại bức tranh chi ngân sách bảo vệ môi trường. Cụ thể, số ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường Trung ương chưa phân bổ còn lớn là 1.104,707 tỷ đồng, chiếm 48,2%. 

Đáng nói, còn 13 địa phương bố trí kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường thấp hơn số giao của Bộ Tài chính, tình trạng này gia tăng hơn so với năm 2018 (7 địa phương) như: Quảng Ninh; Hà Nội; Bình Định; Khánh Hòa; Phú Yên; Nghệ An; Lào Cai; Bắc Kạn… Các chuyên gia cho rằng, dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ ngân sách địa phương thấp hơn 1% thể hiện dấu hiệu “tiêu cực” cần làm sáng tỏ?!

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, việc phân bổ, sử dụng ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường cho Bộ, ngành Trung ương vẫn dàn trải, chưa tập trung. Ủy ban đề nghị, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính rà soát, kiên quyết cắt giảm, tập trung kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho những nhiệm vụ bảo vệ môi trường cấp bách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Riêng với những tồn tại của các địa phương, Ủy ban đề nghị, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, có giải pháp xử lý để các địa phương chấp hành tốt mức chi ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

Chi ngân sách môi trường trở thành nguồn lực tài chính quan trọng bảo vệ môi trường

Vướng từ đâu?

Kinh phí đầu tư phát triển cho công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm song ở đó, vẫn còn nhiều hạn chế. Đáng nói là bố trí nguồn chi này chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là đối với triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường; khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu là do trước áp lực về phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội các ngành, các tỉnh, thành phố đã tập trung vốn nhiều hơn vào các công trình tác động trực tiếp cho sự phát triển về kinh tế - xã hội, như xây dựng các dự án về giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, xây dựng trụ sở…, ít chú trọng dành vốn cho đầu tư bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này được xem như “phần còn lại”, sau khi đã bố trí cho các việc khác.

Chương trình Mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích: năm 2019, được bố trí 10 tỷ đồng, nhưng đến 15/9/2019, mới giải ngân được 2,463 tỷ đồng, đạt khoảng 24,63% kế hoạch.

Đó là chưa kể những trắc trở phối hợp triển khai ngân sách môi trường - giữa một bên là cơ quan tài chính nắm tiền, điều hành vốn theo Luật Ngân sách Nhà nước và một bên là cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng ngân sách sao cho đủ, cho đúng mục đích.

Cũng dễ hiểu khi khoản chi này lấy từ ngân sách địa phương theo Luật Ngân sách Nhà nước, vì thế, hầu hết các địa phương đều giao cho Sở Tài chính phân bổ, kiểm soát nguồn chi, Sở TN&MT chỉ biết và quản lý khoản tiền được phân bổ mà thôi. Đôi khi "ý chí tài chính" còn khiến việc phân bổ tại nhiều nơi không giống nhau hoặc "thăng trầm" ngay trong một địa phương.

Có lẽ đây cũng là nguyên nhân làm cho việc kiểm soát, tổng hợp nguồn chi ngân sách sự nghiệp môi trường chưa phản ánh đúng thực tế. Nhiều địa phương đang gom tất cả các khoản chi cho môi trường, bao gồm cả đầu tư hạ tầng, chiếu sáng đô thị… vào chi môi trường. Liệu tỷ lệ các địa phương bố trí mức chi vượt 1% ngân sách cao (từ 3% ngân sách trở lên) cũng nằm trong các địa phương gom toàn bộ các khoản chi liên quan đến môi trường vào "một rọ" như vậy hay không, cũng là điều cần được làm rõ?!

Bên cạnh đó, còn có tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" về số liệu tổng chi tại các địa phương; không tính tỷ lệ 1% ngân sách môi trường trên tổng chi ngân sách mà lại tính trên tổng chi thường xuyên…

Những điều không “rành mạch” đó khiến đánh giá thực trạng chi ngân sách 1% môi trường khó chuẩn xác.

 

Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh: năm 2019, được bố trí 5.671,834 tỷ đồng để thực hiện các dự án chuyển tiếp và khởi công mới. Tính đến ngày 15/9/2019, mới giải ngân được 1.417,950 tỷ đồng, đạt khoảng 25% kế hoạch.

 

 Phương Anh