Để rừng Mường Nhé hồi sinh!

Môi trường - Ngày đăng : 10:12, 26/11/2019

(TN&MT) - Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé, đặc biệt là tác động từ chính sách chi trả DVMTR đã góp phần để người dân thêm yêu, gắn bó với rừng... và giúp rừng có thể hồi sinh.

Người dân bản Mường Nhé, xã Mường Nhé tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé cho biết: Diện tích có rừng của huyện Mường Nhé 74.056,99ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,19%. Những năm qua, huyện Mường Nhé đã tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong trồng và bảo vệ rừng. Toàn huyện hiện có 76 cộng đồng có rừng và được hưởng chi trả DVMTR.

 

Những năm trước, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé là một trong những địa bàn trọng điểm của tình trạng phá rừng do dan di cư tự do, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, nhờ có chính sách chi trả DVMTR và sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp, số vụ vi phạm lâm luật có xu hướng giảm. Anh Mai Trọng Thiệp, Kiểm lâm địa bàn xã Mường Nhé chia sẻ: Xã Mường Nhé hiện tại có 4 cộng đồng và 2 chủ hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2017, trên địa bàn xã Mường Nhé xảy ra 25 vụ phá rừng, nhưng đến năm 2018, toàn xã chỉ xảy ra 1 vụ phá rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được địa phương đặc biệt quan tâm.

Có thể thấy, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR cơ bản đã làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều tổ cộng đồng nhận khoán quản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Qua đó đã góp phần làm giảm thiểu số vụ xâm phạm rừng, phá hoại rừng và cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà người dân hêm yêu và gắn bó với rừng.

Theo chân tổ tuần tra bảo vệ rừng của bản Mường Nhé, xã Mường Nhé đi tuần tra bảo vệ rừng, chúng tôi được ông Khoàng Văn Phánh, Trưởng bản Mường Nhé mới cho biết: Bản Mường Nhé mới được giao cùng chung với bản Mường Nhé cũ chăm sóc bảo vệ 748,68ha rừng. Cả 2 bản với hơn 300 hộ dân, đã thành lập được 5 tổ tuần tra bảo vệ rừng. Tổ nhiều nhất là 22 người ít nhất là 18 người, chúng tôi thường xuyên thay phiên đi tuần tra bảo vệ rừng. Năm nay, số tiền chi trả DVMTR tăng lên, nhờ đó mà bà con có thêm khoản thu để trang trải chi tiêu cho gia đình, bà con ai cũng phấn khởi.

Người dân phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong công tác tuần tra bảo vệ rừng.

“Khi có các sự việc phá rừng xảy ra, bất kể ngày và đêm, các tổ bảo vệ rừng thường phối hợp với dân bản và lực lượng chức năng tham gia tuần tra, phát hiện và ngăn chặn. Cả bản ai cũng sẵn sàng tham gia bảo vệ rừng.” Câu nói chắc nịch của trưởng bản Mường Nhé như lời khẳng định cho quyết tâm giữ rừng, bảo vệ rừng của người dân nơi đây.

Rừng Mường Nhé có thể hồi sinh; công tác bảo vệ rừng của huyện vùng cao Mường Nhé có thể bớt “nóng” không chỉ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mà còn một phần nhờ vào hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR đã mang lại, giúp người dân thay đổi nhận thức khi họ có thể sống được nhờ rừng.

Hà Thuận