Quảng Ninh: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long

Môi trường - Ngày đăng : 10:11, 26/11/2019

(TN&MT) - Vịnh Hạ Long được biết đến là một di sản thiên nhiên của Thế giới, đồng thời còn là một trong những lá phổi xanh của thành phố Hạ Long, cũng như tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

 Với trên 2.400 ha đất rừng nằm trong vùng lõi của Vịnh Hạ Long, với những rừng cây gỗ trên hàng trăm các hòn đảo nổi và những cánh rừng ngập mặn, cùng với diện tích có thảm thực vật, cây, bụi, dây leo và cây gỗ mọc rải rác là 2.604,46ha với độ che phủ của rừng là 48,24%. Vì vậy, Vịnh Hạ Long được xem là mắt xích quan trọng về môi trường tự nhiên mà tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng đề án bảo vệ và phát triển khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh. Với tầm quan trọng đặc biệt, nên thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

Để Vịnh Hạ Long ngày càng trong xanh cần tăng cường công tác bảo vệ cảnh quan môi trường

Được triển khai từ năm 2015, đến nay 100% tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long được trang bị thiết bị phân ly dầu - nước, giúp hạn chế tối đa lượng nước thải nhiễm dầu (nước thải la-canh) ra môi trường. Cùng với đó, các hệ thống phao quây thấm dầu, tấm thấm dầu, xơ bông thấm dầu được ứng dụng từ chế phẩm sinh học Enretech-1 cũng được đưa vào sử dụng rộng rãi để thấm sạch dầu tràn, vãi trên các cảng, sàn tàu, trang thiết bị, dụng cụ dính dầu và trong khu vực đặt máy phát điện trong khu vực vịnh.

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thử nghiệm sử dụng phao quây thấm dầu từ chế phẩm sinh học Enretech-1 để ngăn chặn sự cố tràn dầu trên vịnh

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng nước thải, khí thải có tác động xấu tới môi trường vịnh, nhiên liệu sinh học (bio-diesel) - một trong những ứng dụng mới về nhiên liệu cũng được đưa vào sử dụng thử nghiệm trên hệ thống các tàu công tác của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho thấy nhiều kết quả khả quan, tạo tiền đề để sớm đưa vào sử dụng rộng rãi cho các phương tiện thủy hoạt động trên Vịnh.

Cùng với đó, từ năm 2017, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đưa vào sử dụng nhà vệ sinh sinh học (Bio-toilet “Bio-Lux”) ứng dụng công nghệ vi sinh và hệ thống xử lý nước thải kiểu mới (New Jhoka “Bio-Lux-water”) tại 7 điểm tham quan trên vịnh Hạ Long.

Cần tăng cường công tác quản lý các tàu hoạt động dịch vụ hậu cần trên Vịnh Hạ Long nhằm đảm bảo môi trường 

Hiện nay, đơn vị này đã nhận chuyển giao và tiếp tục nghiên cứu ứng dụng hệ thống xử lý nước thải sau bể tự hoại tại chỗ theo công nghệ Jokaso của Nhật Bản cho các nhà vệ sinh tại điểm tham quan trên Vịnh. Cùng với đó, nhiều điểm tham trên Vịnh như: Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Sửng Sốt... được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, góp phần giảm thiểu lượng điện tiêu thụ, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

Với việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã đem lại những kết quả quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên Vịnh Hạ Long nói riêng, cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung

Phạm Hoạch