Chung tay vì một trường Chu Văn An, vì một Hà Nội, vì một môi trường xanh hơn
Môi trường - Ngày đăng : 09:27, 24/11/2019
Đây là chương trình diễn ra dựa trên một chuỗi các sự kiện đặc biệt mà các bạn học sinh lên ý tưởng thực hiện, dự án với nhiều hoạt động phong phú được thể hiện cách làm việc đầy tâm huyết, độc đáo và gắn liền với thực tế dựa trên vấn đề đang gây nhức nhối hiện nay – bảo vệ môi trường.
Dự án giúp học sinh có hoạt động nhiều ý nghĩa
Chuỗi sự kiện Sparkling là chuỗi hoạt động thường niên của trường THPT Chu Văn An được tổ chức trong tháng 10 và 11 hàng năm với rất nhiều hoạt động như giải bóng đá nữ, thi nhảy cổ vũ, thi các trò chơi dân gian, tìm cặp đôi - ICON gương mặt đại diện của Chu Văn An dành cho các nhóm nhà. Năm nay chủ đề được thực hiện là "Sự tái sinh" (The Reincarnation) và đặc biệt Sparkling 2019 có thêm dự án mới về môi trường.
Sản phẩm tranh ghép được các bạn học sinh tái chế từ gần 400 nắp chai thu được |
Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, cô giáo Thái Phương Nga, phụ trách chương trình cho biết: "Hưởng ứng chủ đề môi trường năm nay, nhà G (Galanthus) gồm 6 lớp: 12 Toán, 12 D3, 11 Anh, 11 Pháp 2, 10 Địa và 10 Hoá đã chọn slogan: "G Go Green" (Nhà G sống xanh) để kêu gọi các học sinh trong nhà, học sinh toàn trường cùng cộng đồng hãy sống xanh để bảo vệ môi trường".
Trong thời gian thực hiện dự án, các học sinh nhà G đã thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa như sư kiện đầu tiên với tên gọi "Lá thư xanh", truyền tải thông điệp muốn nhắc nhở các bạn học sinh cùng sống xanh và cùng chung tay vì một Chu Văn An, vì một Hà Nội và vì một môi trường xanh hơn và nhắc nhở mọi người về nguy cơ ô nhiễm trắng.
Bức tranh tái chế sặc sỡ được các bạn học sinh hoàn thành và trưng bày trong khuôn viên trường để nâng cao ý thức về việc giảm thải rác thải nhựa mỗi ngày |
Với những chai nhựa thu gom được từ việc phân loại rác vô cơ, các bạn học sinh nhà G đã sáng tạo nên các tác phẩm từ gần 400 nắp chai nhựa tạo nên một bức tranh “tái chế” với màu xanh làm chủ đạo, để nhắc nhở cộng đồng về việc tái chế và những nguy hại do rác thải nhựa gây nên. Ngoài ra, các em còn tận dụng vỏ chai nhựa để làm những trang phục cho icon trong cuộc thi tthời trang.
"Riêng với lớp 11 Anh, là giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy môn Anh chuyên, tôi đã cùng các con học sinh tổ chức phiên họp mô phỏng khủng hoảng "Mun Crisis", phiên họp có sự tham dự của 10 nước gồm các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Singapore, các nước đang phát triển như Việt Nam, Malaysia, Arab Saudi, Bangdadesh và nước lớn như Trung Quốc cùng nhau giải quyết một đám cháy tại một nhà máy tái chế lốp ô tô ở Mỹ", cô Nga chia sẻ thêm.
Mô hỏng phiên họp hội nghị của lớp 11 Anh |
Phiên họp này yêu cầu các bạn học sinh, đứng trên lập trường của các nước tìm hiểu về rác thải vô cơ, hoả hoạn. Trong phiên họp sẽ có những tình huống bất ngờ, các bạn sẽ đưa ra tình trạng cũng như nỗ lực của quốc gia mình về vấn đề này và cùng nhau đưa ra giải pháp cho tình huống này. Chương trình là một cơ hội tốt để các học sinh có thể sáng tạo và tham gia tích cực, thể hiện vai trò của mình đối với cộng đồng. Các hoạt động trong dự án môi trường của nhà G Go Green đã giúp các bạn học sinh nhìn nhận lại những hành động hàng ngày của mình như việc sử dụng đồ nhựa, ý thức hơn trong việc phân loại rác, tái chế và hơn thế nữa trau dồi những ý thức và kỹ năng cần thiết để trở thành những công dân toàn cầu.
Cùng chung tay bảo vệ môi trường xanh
Cô giáo Nguyễn Mai Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An khẳng định rõ quan điểm: Khi mà trí tuệ trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện quyền lực và sức mạnh của một quốc gia, thì không chỉ Việt Nam mà còn các nước trên thế giới đều ý thức được rằng giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội, mà thực sự là đòn bảy quan trọng. Bởi thế, bên cạnh giảng kiến thức thì chúng tôi xác định Nhà trường phải là nơi để các em rèn luyện ý thức, thái độ và kỹ năng ứng phó với các vấn đề xã hội, vấn đề toàn cầu.
Vỏ chai được tận dụng để làm trang phục cho icon trong cuộc thi thời trang |
Trong tất cả bài học, các môn học, giáo viên chúng tôi cũng đều ý thức lồng ghép, chuyền tải thông tin, cung cấp số liệu và gợi ý để các em tư duy sâu hơn về thực tế này. Một lợi thế của trường là các em đều rất chủ động tìm tòi, tích cực đào sâu suy nghĩ, sáng tạo để đè ra các biện pháp với các vấn đề toàn cầu, các em có khả năng thích ứng nhanh, phản ứng tốt. Vì thế khi tổ chức sân chơi Sparkling có tính truyền thống này, chúng tôi càng phát hiện ra nhiều khả năng của các em, từ đó hướng khai thác và trau dồi thêm để các em phát huy tốt hơn.
Dự án môi trường của trường Chu Văn An nói chung và dự án G Go Green của nhà G nói riêng đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay góp sức vì một môi trường xanh hơn. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để học sinh gắn kết nhau hơn, đẩy mạnh kỹ năng làm việc nhóm, cùng thảo luận, suy nghĩ ra các hoạt động và cùng nhau tạo nên các tác phẩm hand-made từ chai nhựa thu gom được, quan trọng hơn là việc nâng cao ý thức của học sinh và vai trò của chính các bạn trong việc bảo vệ môi trường.
Dự án hứa hẹn sẽ mở ra một chặng đường trong tương lai với nhiều dự án tiếp theo cần được ấp ủ và thực hiện vì một trường Chu Văn An, vì một Hà Nội và vì một thế giới xanh hơn.
Sau hơn 1 tháng hoạt động page G Go Green đã đạt được 7,342 người theo dõi, và được rất nhiều bạn học sinh chung tay thực hiện và hưởng ứng phong trào vì một một môi trường xanh. Sau khi dự án được thực hiện, những hiểu biết của các bạn học sinh về cáh phân loại rác cũng được nâng cao và cải thiện. Cụ thể là trước khi dự án thực hiện chỉ có 25,8% các bạn biết phân biệt đâu là rác hữu cơ và vô cơ, sau dự án con số đã được nâng đến 98,5%. Việc này đã giúp ích cho các cô lao công trong trường rút nagws thời gian phân loại rác. |