ĐBSCL: Quản lý tốt khai thác nước ngầm để giảm thiểu sụt lún đất
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:38, 22/11/2019
Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng phát biểu |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết: "ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích và khoảng 19% dân số của Việt Nam. Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách và triển khai các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này.
Đặc biệt là Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững khu vực này".
Tuy nhiên, theo bà Mai Thị Liên Hương, vùng ĐBSCL đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức bởi khu vực này rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún đất.
Theo báo cáo của Tổ chức GIZ tại Hội thảo, dù ở khu vực đô thị hay nông thôn vùng ĐBSCL thì sụt lún đất đều có xu hướng tiếp tục với cùng cấp độ như những năm qua. Để đưa ra những số liệu này, nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp sử dụng dữ liệu vệ tinh, thu thập dữ liệu số lượng lớn với độ chính xác cao bao trùm toàn bộ vùng ĐBSCL với 750.000 điểm.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Olaf Neusser, thuộc Tổ chức GIZ cho biết, ĐBSCL là nơi có tuổi địa chất còn rất trẻ, chỉ khoảng 6.000 năm và sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình hình thành nên đồng bằng và mức độ sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích do các cơn lũ mang lại hàng năm.
Ông Olaf Neusser, thuộc Tổ chức GIZ phát biểu tại Hội thảo |
Cũng theo ông Olaf Neusser, ĐBSCL đang sụt lún, ở khu vực thành thị dao động từ 2cm - 4cm/năm, còn tại khu vực nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1cm/năm. Tuy nhiên, ông Olaf Neusser cũng cho biết là cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu rõ hơn tại sao xảy ra hiện tượng sụt lún đất cũng như những chiến lược ứng phó, trong đó việc khẩn cấp cần làm ngay là phải giảm nhẹ và thích ứng với sụt lún.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, qua kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu phối hợp với Trường Đại học Utretch của Hà Lan cho thấy độ lún trung bình khu vực ĐBSCL khoảng 2cm mỗi năm, nơi có độ lún lớn nhất là ở bán đảo Cà Mau.
Toàn cảnh Hội thảo |
Nguyên nhân được PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung đưa ra là do tầng đất mặt dưới sâu của khu vực ĐBSCL chủ yếu là lớp cát trong khi đó nền đất thì 80% là đất yếu nên chỉ việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông cũng đã xuất hiện lún. Cùng với đó, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm bị khai thác cũng là nguyên nhân chính của sụt lún.
Cũng tại Hội thảo sụt lún đất ở vùng ĐBSCL này, nhiều đại biểu cùng có ý kiến cho rằng, khai thác nước ngầm là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng sụt lún đất. Do vậy, nếu quản lý tốt việc khai thác nước từ dưới lòng đất thì tốc độ sụt lún nhờ đó có thể sẽ được giảm thiểu trong thời gian tới.