“Treo” sổ hồng - Không thể bắt người dân làm “con tin”

Đất đai - Ngày đăng : 13:50, 22/11/2019

(TN&MT) - “Treo” sổ hồng tại các dự án nhà ở đã để lại hệ lụy lớn cho khách hàng cũng như người dân đang sinh sống tại dự án.

Tại nhiều dự án chung cư, khu đô thị ở Hà Nội, người mua nhà đã thanh toán 95 - 100% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư, nhưng nhiều năm nay, vẫn không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng).

Dự án dính sai phạm, sổ hồng bị treo

TP. Hà Nội đang có hàng chục chung cư bị treo sổ hồng vì chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng như: Capital Garden (102 Trường Chinh); chung cư The Golden Palm (Lê Văn Lương); chung cư CT6 Bemes, Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều... Tại chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), người dân phản ánh mua nhà từ năm 2015 nhưng 4 năm nay, họ vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Tại Hà Nội, người dân giăng băng rôn phản đối chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng. Ảnh: Hoàng Minh

Điều đáng nói, có nhiều căn hộ không nằm trong diện tích sai phạm nhưng cũng không được Sở TN&MT Hà Nội xem xét cấp sổ. Việc này khiến hàng chục nghìn hộ dân đã căng băng rôn để phản đối.

Ông Phạm Thanh Phúc (chung cư HH2C khu đô thị Linh Đàm) cho biết, người dân không biết việc chủ đầu tư dự án xây dựng sai quy hoạch. Khi mua nhà, tiền đã trả đủ cho chủ đầu tư nhưng sổ hồng 4 năm nay vẫn chưa được cấp.

Tại khu đô thị mới Tasco Vân Canh (Hoài Đức), hàng chục hộ dân mua nhà nhưng gần 10 năm, chưa được cầm trên tay quấn sổ hồng. Bà Lê Minh Hằng (người dân) cho biết, mua nhà 9 năm, nhưng không được cấp sổ hồng khiến cuộc sống của bà gặp nhiều phiền toái. Đáng chú ý, nhiều gia đình không nhập được hổ khẩu, con cháu phải học trái tuyến. Nhiều nhà muốn thế chấp căn nhà để vay vốn làm ăn nhưng ngân hàng không cho giải ngân vì không có sổ hồng…

Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, người dân tá hỏa họ đã mua đất của đơn vị thứ cấp. Việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp sổ hồng lại phụ thuộc vào chủ đầu tư không biết đến bao giờ mới nhận được sổ hồng. "Chúng tôi đã gửi đơn đến các cấp, nhiều đoàn thanh tra đã xuống kiểm tra dự án. Nhưng họ chưa đưa ra được hướng xử lý giúp cho dân", ông Phúc nói.

Chờ xử lý sai phạm

Trước bức xúc này, năm 2013, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo gỡ khó trong cấp Giấy chứng nhận.

Theo đó, chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai (hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và đã nộp tiền sử dụng đất) nhưng xây dựng nhà ở vượt diện tích mặt bằng so với thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng được cấp, kiểm tra xử lý đối với phần diện tích sai phạm; trường hợp diện tích xây dựng vi phạm được phép tồn tại, chủ đầu tư phải nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính tại thời điểm giao đất.

Băng rôn tại khu dân cư VP6 Bán đảo Linh Đàm (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh

Trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai và chưa nộp tiền sử dụng đất, đã xây dựng nhà và bàn giao nhà ở cho người mua nhà theo hợp đồng mua bán nhà ở, UBND cấp tỉnh, thành phố xem xét quyết định công nhận việc sử dụng đất để thực hiện dự án của chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nộp số tiền sử dụng đất theo chính sách giá đất tại thời điểm hoàn thành công trình...

Văn bản này được xem là hướng mở về cơ chế, chính sách giúp các địa phương cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Thanh Nam - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, việc cấp sổ hồng trước cho người dân, sau đó, xử lý sai phạm của chủ đầu tư được áp dụng từ năm 2015. Tuy vậy, những chủ đầu tư dự án có sai phạm lớn, Sở sẽ phải báo cáo UBND TP. Hà Nội để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với những chung cư có sai phạm như xây vượt tầng, tự ý chuyển đổi công năng các tầng nhà, Sở sẽ xem xét lại quá trình cấp sổ đỏ đối với các căn hộ nằm trong diện này. Nếu chủ đầu tư chưa khắc phục sai phạm, Sở sẽ hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ với các cơ quan chức năng để khắc phục sai phạm. Khi đủ điều kiện sẽ tiến hành cấp lại sổ hồng cho dân.

Đối với những căn hộ không nằm trong diện tích sai phạm nhưng thuộc những dự án chủ đầu tư có sai phạm về trật tự xây dựng, Sở sẽ rà soát và cấp sổ hồng để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, qua rà soát, các cơ quan chức năng đã ghi nhận trong số 2.518 dự án khu đô thị mới, phát triển nhà ở, có 232 dự án vi pham trật tự xây dựng. Trong đó, có 99 dự án xây dựng không phép, 85 dự án xây dựng sai phép, 31 dự án xây dựng.

Theo ý kiến của các luật sư, cần phải tạo sức răn đe đối với những chủ đầu tư có sai phạm về trật tự để họ ý thức được trách nhiệm của mình. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết phải đưa ra các chế tài mạnh hơn như phong tỏa tài khoản của các chủ đầu tư cố tình chây ỳ không nộp tiền sử dụng đất; không cấp dự án mới cho các chủ đầu tư đã từng để xảy ra sai phạm trật tự xây dựng…

“Các cơ quan quản lý phải có giải pháp mạnh tay để “ép” các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bởi, người mua nhà không có lỗi trong việc mua căn hộ. Sai phạm thuộc về chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - Luật sư Nguyễn Duy Phương - Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm. 

Thùy Linh