Quảng Ninh: Nhiều vi phạm trong hoạt động khai thác tại các mỏ đá

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:03, 22/11/2019

(TN&MT) - Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, hàng loạt các dự án xây dựng hạ tầng, công trình giao thông triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, khiến nhu cầu về đá để làm vật liệu xây dựng tăng mạnh. Tuy nhiên, hoạt động tại các mỏ đá đang bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí vi phạm quy trình khai thác, cũng như gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe người dân trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 22 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường (không tính các doanh nghiệp đóng cửa mỏ và các đơn vị khai thác đá làm phụ gia xi măng), tập trung ở 5 địa phương là: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Hoành Bồ, Cẩm Phả. Tổng diện tích khai thác của 22 doanh nghiệp kể trên khoảng 245,25ha, trữ lượng khai thác trên 100 triệu m3; công suất khai thác 2,947 triệu m3/năm.

Hoạt động của các mỏ đá tại xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Trong đó, địa phương có nhiều mỏ đá tập trung nhiều nhất phải kể tới huyện Hoành Bồ với hàng chục mỏ đá đang hoạt động trải dài từ các xã Sơn Dương, Thống Nhất, Vũ Oai.

Đặc biệt, chỉ tính riêng tại thôn Đồng Cao, xã Thống Nhất đã có tới 4 doanh nghiệp khai thác đá gồm: Công ty CP Thương mại Dung Huy, Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị, Công ty CP Xây dựng Quảng Ninh và Xí nghiệp đá Thống Nhất. Cũng tại thôn Đồng Cao còn có nhiều trạm trộn bê tông cũng đang hoạt động. Hoạt động của các mỏ đá và các trạm trộn bê tông khiến cho đường giao thông trong thôn và khu vực lân cận bị xuống cấp trầm trọng, không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi khói bụi thải ra hàng ngày ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân nơi đây.

Nổ mìn phá đá gây khói bụi mù mịt ảnh hưởng sức khỏe người dân xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh cho thấy, qua đợt khảo sát thực tế trong quý II, quý III/2019, tại 16/22 doanh nghiệp: Các doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như: Một số doanh nghiệp chưa thực hiện cắt tầng khai thác theo đúng thiết kế thi công, chưa cắm mốc ranh giới khu vực khai thác mỏ, khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép, khai thác trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, chưa thực hiện đầy đủ tần suất và thông số quan trắc trong BVMT...

Mỏ khai thác đá của Công ty Hương Phong, phường Hà Phong, TP. Hạ Long thường xuyên gây ô nhiễm môi trường

Cùng với đó, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh và mở các đợt cao điểm tấn công ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến việc khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc. Đẩy mạnh xử lý các trường hợp, phương tiện vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, gây hư hỏng hạ tầng giao thông và ô nhiễm môi trường. Được biết từ năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử phạt 4 doanh nghiệp khai thác đá tại các địa phương vi phạm pháp luật về BVMT, với tổng số tiền 755 triệu đồng.

Xe quá tải chở đá trên Quốc lộ 279 sang tỉnh Bắc Giang tiêu thụ

Đại tá Nguyễn Bá Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Nhằm siết chặt quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh đá làm VLXD, bên cạnh việc duy trì triển khai thực hiện các giải pháp trên, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các địa phương có hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh đá làm VLXD, tiếp tục rà soát các thiết kế thi công các công trình mỏ đá, giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, việc chấp hành pháp luật trong khai thác khoáng sản và BVMT. Qua đó, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, cũng như có giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình các đơn vị khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường.

 

Phạm Hoạch