Xây dựng Nông thôn mới tại Điện Bàn, Quảng Nam: Tiền nào của nấy

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:30, 21/11/2019

(TN&MT) - Để phấn đấu đạt chuẩn “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, thực trạng cho thấy, một số địa phương thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã quá chạy đua theo điểm thành tích mà quên đi chất lượng, gây lãng phí nguồn vốn.

Nhiều bất cập, tồn tại.

Đó là câu chuyện đang gây xôn xao dư luận tại thôn Đồng Hạnh, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thời gian qua. Từ nguồn tin của người dân, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã vào cuộc tìm hiểu, ghi nhận thông tin đa chiều.

Trong vòng 6 tháng cuối năm, với 1,38 tỷ đồng, xã Điện Minh phấn đấu xây dựng thôn Đồng Hạnh đạt thôn NTM kiểu mẫu.

Quả thực, những gì mà người dân bản địa đang bàn tán là có cơ sở. Đầu tiên, là hệ thống đèn điện chiếu sáng nông thôn được bắt trên các tuyến đường bê tông xi măng trong thôn. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy, toàn bộ dây điện phục vụ chiếu sáng được mối nối chia men theo các trụ điện đều là loại dây nhỏ, dây điện sử dụng trong nhà.

“Sợi dây nhỏ mà bắt ở ngoài trời dầm mưa, dãi nắng như thế này thì được bao ngày. Rồi nữa, cái bóng đèn chiếu sáng thì nhỏ mà lại không có che chắn, dây điện được luồn trong ông tiếp sắt không được sơn cách điện… quá sơ sài, đối phó”, một người dân tại địa phương cho hay.

Đèn điện chiếu sáng đường được thi công quá sơ sài.

Không chỉ đèn điện chiếu sáng, ngay dọc theo các tuyến đường thôn Đồng Hạnh (xã Điện Minh), do diện tích mặt đường đã được bê tông hóa nên cây xanh được trồng vào các hộc xây lấn ruộng vô cùng “nhức mắt”. Mỗi ô được xây trên mặt ruộng, với rộng độ chừng hơn 0,5m2.

Một nông dân chỉ tay vào hàng cây mới trồng lắc đầu nói, Trồng cây kiểu này, khi cây lớn to sẽ nứt toác, rồi đến mùa mưa bão thì lại tốn thêm chi phí cắt, dọn cây ngã đổ, “ba lần bảy hai mốt”.

Cây xanh cảnh quan được trồng theo kiểu đối phó.

Điều đáng nói, để đạt được Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài các tiêu chí như: Giao thông, điện, vườn và nhà ở hộ gia đình, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, giao dục và y tế thì tiêu chí môi trường không thể thiếu. Thế nhưng, thôn Đồng Hạnh lại chọn ngay trước cổng nhà văn hóa thôn để làm điểm tập kết rác thải sinh hoạt. Nhà văn hóa thôn này nằm ngay trên tuyến đường liên xã, xe gộ đông đúc lại bị bức tử bởi rác.

Thời điểm chúng tôi có mặt ghi nhận thông tin này, nhiều người dân đã đến bày tỏ sự bức xúc. “Do thôn ‘quy hoạch’ đây là điểm tập kết rác nên người dân cứ mang rác ra đây đổ. Nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm nhưng chẳng có cách nào khác”, bà L. nói.

Trước cổng nhà văn hóa thôn được chọn làm điểm tập kết rác thải sinh hoạt.

Ngoài ra, trên địa bàn thôn Đồng Hạnh bao năm nay vẫn tồn tại một lò mổ bò tự phát, lò mổ nằm bên cạnh dòng sông, kế bên là dãy chuồng dự trữ bò của cơ sở này lên đến hàng chục con. Nước từ lò mổ và dãy chuồng bò có màu xanh rêu, bốc mùi hôi nồng nặc xả thải trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước sông và môi trường khu vực nghiêm trọng.

Thời gian khiêm tốn, vốn eo hẹp   

Được biết, thôn Đồng Hạnh được phê duyệt phương án xây dựng “Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu” theo quyết định số 5134/QĐ-UBND của UBND thị xã Điện Bàn ngày 05/6/2019. Tổng vốn cho việc xây dựng mô hình này là 1,38 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam góp 500 triệu đồng, UBND thị xã Điện Bàn góp 100 triệu đồng, vốn lồng ghép 20 triệu đồng, vốn khác 155 triệu đồng và phần cao nhất thuộc về đóng góp từ nhân dân là 605 triệu đồng. Tất cả với mục tiêu đến cuối năm 2019, đưa thôn Đồng Hạnh đạt “khu dân cư kiểu mẫu”.

Nước từ lò mổ và dãy chuồng bò có màu xanh rêu, bốc mùi hôi nồng nặc xả thải trực tiếp ra sông.

Chắc có lẽ, để phấn đấu đạt “mục tiêu” các tiêu chí so với Bộ tiêu chí “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” mà những người trong cuộc đã quá nóng vội dẫn đến những bất cập như người dân đã phản ánh.

Người dân trong thôn lo ngại đến chất lượng và độ an toàn đối với những trò chơi được trang bị trong khuân viên nhà văn hóa. Họ cho rằng đu quay, cầu trượt,.. đều được gia công, lắp ráp thủ công. Đơn vị thi công không được cấp phép, sản phẩm làm ra không được kiểm định. Các bậc phụ huynh lo sợ xảy ra tai nạn khi trẻ nhỏ chơi cầu trượt, vì bậc cấp bước lên cầu trượt được làm bằng ống thép tròn, trơn, dễ bị trượt chân, đập mặt vào cầu thang.

Các bậc phụ huynh lo ngại nguy cơ trượt chân khi trẻ nhỏ tham gia chơi cầu trượt.

Trao đổi với phóng viên báo TN&MT, ông Trần Bường - Chủ tịch UBND xã Điện Minh cho hay, ông đã nắm được thông tin mà một số người dân phản ánh về những điều chưa được trong xây dựng Nông thôn mới ở địa phương, những gì người ta phản ánh là đúng, nhưng phải hiểu, tất cả bắt nguồn từ nguồn vốn eo hẹp của quỹ xây nông thôn mới kiểu mẫu.

“Mình làm đúng theo phê duyệt của UBND thị xã Điện Bàn. Không sai gì cả. Như dây điện, đèn điện vốn bố trí có ít thì không thể mua dây lớn được. Rồi như các biển báo giao thông cũng không thể làm decan phản quang theo đúng tiêu chuẩn được. Đúng là tương lai sẽ nhanh hư hỏng nhưng không còn cách nào khác”, ông Bường nói.

Do kính phí eo hẹp nên cọc tiêu, biển báo thi công không đúng tiêu chuẩn, không phản quang.

Riêng chuyện điểm tập kết rác ở trước cổng nhà văn hóa thôn gây nên nhếch nhác, ông Bường cho rằng, thôn chẳng còn quỹ đất nào khác để chọn làm điểm bỏ rác. Thêm phần, con đường đi qua nhà văn hóa là đường lớn nên xe gom rác tiện đường chạy để lấy rác.“Đúng là ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường. Tới đây, chúng tôi sẽ tìm điểm quy hoạch mới”, ông Bường thông tin.

“Xây dựng NTM kiểu mẫu là đích phấn đấu của tất cả các thôn xã trong tỉnh. Nhưng không vì mục tiêu này mà đêm tiền đầu tư dàn trải, làm theo kiểu đối phó, làm cho có để chấm điểm rồi đâu lại vào đấy là quá phung phí. Cần phải lên phương án, có lộ trình, nếu tiền ít thì phải chia ra từng giai đoạn đầu tư, để những gì đầu tư đạt chất lượng, và cái chính là người dân được hưởng lợi thật sự”, một Cựu chiến binh phân tích thêm.

Võ Hà