Bình Định: Mỏ đá Công ty TNHH Tân Trung Nam gây nhiều phiều lụy cho người dân

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:20, 21/11/2019

(TN&MT) - Hơn 100 hộ dân ở xóm 4, thôn Trường Sơn, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, ngoài việc suốt ngày bị tra tấn bởi tiếng ồn mìn nổ, tiếng máy khoan đá, bụi đá, tiếng xe cơ giới chở đá, còn thêm bị thiệt hại nặng nề về kinh tế vì mất đất sản xuất, lo ngại sức khỏe mang nhiều bệnh tật từ mỏ đá của Công ty TNHH Tân Trung Nam.

Trời nắng cũng như trời mưa, quanh năm suốt tháng, ngày này sang ngày khác, thấm thoát gần 10 năm nay, người dân ở thôn Trường Sơn, xã Cát Tường, huyện Phù Cát phải sống vật vã với mỏ đá của Công ty TNHH Tân Trung Nam nằm trên khu vực núi Ngang thuộc dãy núi Bà.

Mỏ đá Công ty TNHH Tân Trung Nam nằm ngay trên nóc nhà dân và gần khu vực hồ chứa nước Trường Sơn

10 năm là khoảng thời gian khá dài để người dân nơi đây thích nghi sống chung cùng mỏ đá. Mọi thứ sinh hoạt trong cuộc sống của họ bị đảo lộn, kể từ khi mỏ đá xuất hiện và hoạt động khai thác đá đến nay. Ngày ngày, âm thanh quen thuộc họ vẫn nghe là tiếng nổ mìn phá đá, máy cưa, xẻ đá, máy khoan, đục, đẽo, xe cơ giới chạy ầm ầm chở đá xuyên đêm lẫn ngày.

Khu vực khai thác mỏ đá

Chừng ấy cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi khổ mà họ đang phải chịu đựng. Điều họ mất mát lớn nhất, đó là diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị cát, sỏi, đá từ trên núi theo nguồn nước mưa hàng năm chảy xuống làm sa bồi thủy phá, khiến nhiều diện tích lúa bị thu hẹp hoặc không còn khả năng canh tác sản xuất. Đồng nghĩa, cuộc sống của người dân vốn đã nghèo khó, nay càng khốn khó hơn. Doanh nghiệp thương tình có đền bù chi phí thiệt hại, nhưng chả thấm vào đâu so với công sức người dân chăm sóc mảnh ruộng chờ ngày thu hoạch.

Khối đá lớn được khai thác nhiều năm

Điều sâu xa hơn nữa, người dân lo lắng về sức khỏe hiện tại và tương lai, vì nạn nổ mìn công nghiệp khai thác đá. Chất độc hại đó đang thấm vào lòng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của gia đình và nguồn nước trên hồ chứa nước Trường Sơn. Bởi mỏ đá nằm ngay trên nóc nhà dân và gần khu vực hồ chứa nước Trường Sơn.

Khu vực để đá ngổng ngang đất, cát tràn xuống núi 

Một người dân ở xóm 4, thôn Trường Sơn bức xúc: Tôi lo nhất là hồ chứa nước Trường Sơn bị chất thải bột đá, nước thải từ nhà máy cưa đá trên mỏ đá tràn xuống chảy vào hồ thì cuộc sống sinh hoạt cũng như sức khỏe người dân là không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng môi trường. Mùa nắng nước xả thấm xuống lòng đất không bao nhiêu, nhưng mùa mưa chảy vào hồ theo triền núi, vào khu vực ruộng của dân làm sa bồi thủy phá, ruộng đành bỏ hoang không sản xuất canh tác được. Mìn nổ hàng ngày vào tầm trưa. Vì đường vào hồ chứa nước Trường Sơn chở đá nên nhiều năm qua không bê tông được con đường. Mỏ đá nằm sát nhà dân, có nhà chỉ cách mỏ đá 100m.

Mỏ đá khai thác chủ yếu đá khối

Người dân khác phàn nàn: Công ty có bồi thường, mua lại các đám ruộng bị sa bồi thủy phá, nhưng họ chỉ đền bù 600.000 đồng/sào. Số tiền quá ít ỏi, dân không làm gì được, trong khi đất không có để sản xuất, nên không có nguồn thu nhập cho gia đình. Hộ nào còn sử dụng được ruộng thì canh tác, không còn đành tìm việc khác làm. Nhưng thời gian gần đây, dân có phản ánh việc sa bồi thủy phá, nhưng chính quyền, doanh nghiệp cũng không can thiệp, giải quyết, không bồi thường cho dân. Cứ trời mưa thì nước, đất, đá, sỏi ở trên núi sạt lở, đổ xuống ruộng của dân.

Hàng triệu khối đá vuông tròn như khuôn đúc nằm sát bên nhau chờ ngày hạ núi

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Đặng Văn Được – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường cho biết: Qua các đợt tiếp xúc cử tri người dân có phản ánh, sau đó đoàn công tác gồm Sở TN&MT, Phòng TN&MT huyện Phù Cát, UBND xã phối hợp kiểm tra làm việc và yêu cầu Công ty khắc phục bể lắng. Mùa nắng xe chở đá gây bụi trên đường, họ tưới nước và đóng góp kinh phí làm đường bê tông thôn vào khu vực mỏ đá. Ít nhiều cũng ảnh hưởng môi trường hoạt động khai thác đá, nhưng Công ty đã khắc phục phần nào cho dân. Năm nay, chưa có mưa lũ gì lớn, vừa qua cơn bão số 5 ảnh hưởng không đáng kể. Mọi năm mưa lũ lớn, chúng tôi đi kiểm tra xem sa bồi thủy phá, bờ sông, bờ suối buộc Công ty phải khắc phục, bồi thường thiệt hại cho dân theo sản lượng, đầu sào. Khai thác phải đào hầm hố, mưa lớn trên cao chảy xói đưa đất, cát, sỏi xuống ruộng. Công ty đào ba bể chứa lắng, tràn nước chảy xuống dưới núi. Chúng tôi đi kiểm tra thống kê từng hộ dân và yêu cầu công ty đền, hỗ trợ cho bà con và mời các hộ theo danh sách ra xã nhận tiền.  

Hòn to, hòn nhỏ, đá khối nằm kề bên đá chẻ trên công trường khai thác đá

Để tới được mỏ đá của Công ty TNHH Tân Trung Nam, PV phải nhờ sự giúp đỡ của người dân thôn Trường Sơn dẫn đường. Đường đi khó khăn, mưa trơn trợt, phải leo qua nhiều lớp đá, chúng tôi đột kích vào khu vực mỏ đá, mới thấy quy mô khai thác của mỏ đá khá lớn. Hàng khối đá vuông tròn như khuôn đúc nằm sát bên nhau chờ ngày hạ núi. Hòn to, hòn nhỏ, đá khối nằm kề bên đá chẻ trên công trường khai thác đá.

Đá thừa đổ tràn xuống khu vực dưới mỏ đá 

Mỏ đá này, được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 64 ngày 21/6/2011 và số 27 ngày 04/5/2019. Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Tân Trung Nam được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong diện tích 2,19ha thuộc núi Ngang, xã Cát Tường. Mỏ đá càng mở rộng quy mô khai thác, thì cuộc sống người dân thôn Trường Sơn nằm dưới chân núi sẽ càng bị thu hẹp lại cả về vật chất lẫn tinh thần. Không biết người dân nơi đây sẽ phải sống như nào để thích nghi với nó?

Mỹ Bình