Nghị quyết 120/NQ-CP mở hướng cho miền Tây vươn ra biển lớn - Bài 4: Quy hoạch phát triển bền vững cần tích hợp phần biển đảo

Thời sự - Ngày đăng : 16:19, 21/11/2019

(TN&MT) - “Chủ trương của Nghị quyết 120/NQ-CP phải phát huy tối đa các tiềm năng. Do đó, quy hoạch phát triển bền vững vùng thích ứng với BĐKH cần tích hợp phần biển đảo Tây Nam, để có cơ chế, chính sách đồng bộ, phát huy tiềm năng, lợi thế toàn vùng, tăng thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước mà mục tiêu Nghị quyết đã đề ra” - TS. Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Đại học Cần Thơ cho biết.

Nhiều tiềm năng, lợi thế  về du lịch, dịch vụ hàng hải, đánh bắt - nuôi trồng thủy hải sản, dầu khí,... của biển đảo Tây Nam cần thể chế hóa đồng bộ trong quy hoạch phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ (A:H.Hiếu)

Để có thêm những góc nhìn khoa học sát thực tiễn về những vấn đề liên quan đến hệ sinh thái biển trong tiến trình xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ thích ứng BĐKH, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái, xuất thân tại miền Tây.

PV: Từ thực tiễn sinh sống, nghiên cứu ở miền Tây, ông thấy tiến triển gì sau 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP?

ThS. Nguyễn Hữu Thiện:

Theo chỗ chúng tôi biết thì trong 2 năm vừa qua, Chính phủ đã có 2 động tác quan trọng đó là triển khai soạn thảo Quy hoạch tổng thể cho ĐBSCL theo Luật Quy hoạch 2016 theo tinh thần tích hợp, đa ngành; Chương trình nông nghiệp cho ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Cả 2 chiến lược này đang tiến triển và cần nhiều thời gian.

Chúng tôi thấy rằng Quy hoạch tích hợp, đa ngành theo Luật Quy hoạch 2016 là hướng đi rất tiên tiến. Nhưng vì cách làm này mới, chưa từng có ở Việt Nam cho nên sẽ gặp nhiều lúng túng. Trước nay, khi chưa có Luật Quy hoạch, cách làm quy hoạch của chúng ta là quy hoạch đơn ngành, hay nói nôm na là mạnh ai nấy quy hoạch theo ngành và cấp của mình và kết quả là chúng ta đã có tới hơn 2.500 bản quy hoạch cho ĐBSCL. Việc này giống như thiết kế và chế tạo các bộ phận của một chiếc xe một cách riêng rẽ mà thiếu bản vẽ chung của toàn bộ chiếc xe đến khi ráp lại thì các bộ phận không ăn với nhau và xe vận hành lung tung và không hiệu quả.

Quy hoạch tích hợp lần này là quy hoạch tổng thế, đa ngành, trong đó xem xét tất cả mọi thứ cùng lúc với tầm nhìn dài hạn để hài hòa hóa các vấn đề. Một ví dụ minh họa cho dễ hiểu, đó là khi ngành giao thông làm cây cầu ngang cửa sông với độ tĩnh không thấp, sau đó thì mới phát sinh nhu cầu tàu biển cần vào cửa sông để trú bão thì phải phá cầu ra làm cầu mới cao hơn cho tàu vào cửa sông. Nếu có tầm nhìn xa và tích hợp thì đã không bị như thế. Dù là làm lần đầu thì sẽ gặp lúng túng nhưng có lần đầu thì mới có lần sau và sự chuyển dịch sang hướng đi tiên tiến là điều cần làm, dù có khó khăn lúc đầu.

Phối cảnh quy hoạch cảng biển quốc tế tại khu đô thị Dương Đông - Phú Quốc trong tương lai (A:G.Sơn)

PV: Thực tế, miền Tây không chỉ có phần đất liền mà còn vùng biển đảo, dưới góc nhìn chuyên gia độc lập xuất thân tại vùng này, ông thấy hệ sinh thái biển đảo trong mối tương tác với đất liền thế nào?

ThS. Nguyễn Hữu Thiện:

Đúng là ĐBSCL không chỉ có phần đất liền mà còn có phần nước biển và đảo. Sản lượng đánh bắt cá biển ĐBSCL hơn nửa triệu tấn/năm, bằng 50% sản lượng đánh bắt thủy sản biển của cả nước. Do đó thủy sản biển là một hợp phần kinh tế quan trọng cho nền kinh tế ĐBSCL và cả nước.

Về mặt sinh thái thì phần biển không thể tách rời khỏi phần đất liền, hay nói cách khác biển và sông ngòi nội địa không thể tách rời. Vì chúng ta nhìn bằng con mắt nông nghiệp trong nội địa, ta hay nghĩ là nước sông chảy ra biển là phí, nhưng không phải như vậy. Biển rất cần nước ngọt của sông vì nước ngọt mang dinh dưỡng ra cho biển, làm cho độ mặn, nhiệt độ nước biển vừa phải.

Cũng vì chúng ta chỉ nhìn nông nghiệp nội địa, nên ta nghĩ là tách biển và nội địa ra bằng công trình thì không sao, biển sẽ “tự lo liệu” và vẫn cho ta hải sản, nhưng nhìn như vậy là hạn hẹp. Cá biển rất cần vào ra cửa sông để sinh sản và ngược lại tôm cá sông cần biến. Tôm càng xanh chẳng hạn, là loài nước ngọt, nhưng khi mang trứng thì phải bơi ra vùng nước lợ để đẻ, sau đó tôm con di chuyển ngược dần lên vùng ngọt. Cá kèo thì sinh sản ở vùng cửa sông.

PV: Ông nghĩ sao về hệ sinh thái biển đảo Tây Nam trong quy hoạch phát triển vùng?

ThS. Nguyễn Hữu Thiện:

Theo tôi, cơ quan chức năng đang soạn thảo quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ thích ứng với BĐKH, cần tích hợp phần biển đảo Tây Nam. Thực tế, lâu nay hợp phần biển hoàn toàn bị bỏ quên (hoặc tách riêng - PV) trong mọi quy hoạch phát triển vùng. Chúng ta chỉ tập trung vào quy hoạch cho phần đất liền và chủ yếu là tập trung vào nông nghiệp. Trong đó, chủ yếu là cây lúa thâm canh. Cách làm nông nghiệp thời gian qua của chúng ta chủ yếu là năng suất cao - đầu vào cao, tức là đẩy năng suất lên tối đa bằng phân bón, thuốc trừ sâu.

Vì mở rộng diện tích nông nghiệp ra sát biển và đẩy số vụ lên tối đa, chúng ta đã cần nhiều công trình ngăn lũ ở vùng trên và ngăn mặn ở vùng ven biển. Kết quả là biển và sông ngòi bị ngăn cách bằng công trình cứng để ngăn mặn và trữ ngọt bên trong - đặc biệt là vào 6 tháng mùa khô khi các cống đóng để ngăn mặn từ biển vào và trữ ngọt bên trong.

Khi sông và biển bị công trình cứng (đê, cống) tách ra làm hai thì phần nước lợ rất quan trọng đối với sinh thái sông - biển bị xóa sổ, bởi vì nước lợ là sự giao thoa giữa nước mặn và ngọt mới có được. Khi các cống đóng im ỉm thì sông ngòi bên trong ô nhiễm không còn tôm cá và bị lục bình phủ kín, cá biển cá sông không vào ra sinh sản được. Lâu lâu các cống mở xả ô nhiễm tích tụ lâu ngày ra thì biển gánh tất cả.

Nước ngọt phía đất liền bên trong các cống chỉ dùng được cho nông nghiệp chứ không dùng cho sinh hoạt được vì quá ô nhiễm và do đó phải càng dựa vào khai thác nước ngầm dẫn đến sụt lún đất nhanh hơn tốc độ nước biển dâng. Thủy sản biển và thủy sản sông đã âm thầm suy giảm và thường được đổ cho các nguyên nhân khác.

Hệ sinh thái nước lợ ven biển đang diễn ra hiện tượng xói lở trầm trọng đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn để xây hệ thống kè 

PV: Vậy cách nào để vừa hài hòa phát triển nông nghiệp bên trong vừa giải quyết được nhu cầu của hệ sinh thái biển trong bối cảnh BĐKH hiện nay, thưa ông?

ThS. Nguyễn Hữu Thiện:

Chiến lược của NQ 120/NQ-CP lần này xoay trục ưu tiên từ “lúa - cây trồng khác - thủy sản” sang “thủy sản - cây trồng khác - lúa”. Tức là lúa không phải ưu tiên số một nữa và nông nghiệp sẽ đi theo hướng sạch hơn, bền vững hơn. Nếu với cách làm cũ, với tình hình ngăn cách, nước ô nhiễm như vậy thì muốn làm nông nghiệp sạch cũng khó mà phát triển thủy sản cũng khó, do đó cần phải thay đổi.

Tôi nghĩ, để thực hiện được NQ 120/NQ-CP, các vấn đề quan trọng hàng đầu cần làm là: Đối với vùng đầu nguồn, giảm bớt vụ lúa vào mùa lũ để cho nước lũ tràn đồng ở vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười mang phù sa, tôm cá lên đồng.

Song song đó, chuyển hướng 2 vụ còn lại theo hướng canh tác sạch hơn, bền vững và giá trị cao hơn. Khi có phù sa, tự nhiên năng suất 2 vụ còn lại sẽ tăng và giảm chi phí phân, thuốc. 2 vùng này với sức hấp thu tối đa được 20 tỉ m3 nước, sẽ làm giảm ngập các thành phố trong mùa lũ và có nước để cân bằng, giảm mặn cho vùng ven biển vào mùa khô.

Đối với vùng giữa, là vùng phù sa, cây ăn trái, chuyển hướng cây trồng sang giá trị cao hơn, sạch hơn và phục hồi trao đổi nước giữa vườn tược và sông ngòi để giảm độc chất trong bùn của mương vườn.

Đối với vùng ven biển, trong 6 tháng mưa vẫn là ngọt, có thể canh tác lúa, đối với 6 tháng mùa khô thì canh tác mặn. Khi đã phục hồi vùng trên thì vùng này đã tái cân bằng mặn ngọt. Còn đối với những năm hạn - mặn cực đoan thì nên né, vì dù có ngăn mặn cũng ít tác dụng vì các vùng mặn này là mặn từ trong đất ra. Một khi đã thiếu nước ngọt bên trong thì dù có ngăn mặn từ biển vào vẫn không hiệu quả.

Song song đó, Nhà nước cần vận động khu vực tư nhân đầu tư mạnh vào chế biến để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và tiếp thị và đa dạng hóa thị trường vươn tới các thị trường giá trị cao hơn. Hiện nay nhu cầu thị trường trong nước cho sản phẩm nông nghiệp sạch cũng rất cao. Như vậy chúng ta tránh được chuyện sản suất chỉ dựa vào số lượng, bán rẻ sản phẩm thô và phải thường xuyên đối mặt tình trạng được mùa mất giá.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Nghị quyết 120/NQ-CP là một văn bản định hướng chiến lược ở tầm cao với tầm nhìn trăm năm. Tôi cho rằng đây là một Nghị quyết rất sáng giá, đưa ra được những định hướng chiến lược rất trúng cho các vấn đề của ĐBSCL, đặc biệt là các vấn đề nội tại của ĐBSCL để tái định hướng con đường phát triển theo hướng bền vững hơn và tăng cường khả năng chống chịu đối với những biến đổi của hoàn cảnh bên ngoài” - ThS. Nguyễn Hữu Thiện.

Hùng Long