Đà Nẵng: Chung cư nhà ở xã hội dân vừa ở vừa… chạy
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:02, 20/11/2019
Chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh vừa bàn giao đã xuống cấp |
Xuống cấp nghiêm trọng
Chị Mai Thu Thảo, trú tại tầng 12, khu E2 Dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh cho biết, hai vợ chồng gom góp, vay mượn đủ đường được 240 triệu để mua nhà ở xã hội với mong muốn có nơi an cư. Thế nhưng, ngay khi vào ở từ cuối năm 2019, nước thấm dột nghiêm trọng khắp nhà nên cứ mưa là vợ chồng chị phải chạy qua nhà bố mẹ ở tạm.
Chị Thảo kể, mỗi lần trời mưa, nhẹ thì nước men theo trần chảy xuống sàn, nặng thì nhỏ tong tong ngay giữa nhà, nơi giường ngủ, trong phòng vệ sinh, phải dùng xô chậu để hứng. Dần dần các vị trí thấm dột mốc meo, loang lỗ trông như các căn nhà chất lượng kém đã sử dụng lâu năm. Nhìn cảnh thấm dột, ẩm mốc thế này, cả hai không dám có bầu, sinh con vì sợ bệnh tật, trượt té.
“Mưa là phải huy động thau chậu để hứng khắp nơi, tủ gỗ, gường gỗ hư hỏng hết. Nhiều khi bóng điện bị chập cháy mất an toàn nên có hộ đã phải bỏ thuê nhà ở tạm. Chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư khắc phục. Họ cho người lên làm nhưng khắc phục xong thì lại thấm dột nhiều hơn”- chị Mai Thu Thảo bức xúc.
Nước dột tạo thành những vết nứt ngang dọc trên trần nhà chị Thảo |
Mỗi khi mưa thì “chạy nước” đã đành, có nhiều hộ phải bỏ nhà đi ở nhờ vì đường điện ngầm bị ngấm nước chập cháy khét lẹt, nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Theo lời kể của những hộ dân sinh sống tại đây thì đã xảy ra trường hợp cháu nhỏ bị giật điện khi các thiết bị điện nổ lẹp bẹp, cháy khét lẹt trong phòng. Ngay giữa đêm, nhiều hộ phải bật dậy vì tiếng hô hoán cắt cầu dao tổng của hàng xóm.
Anh Hà Văn Danh, trú phòng 1206, khu E2 cho biết, từ khi chuyển về đây ở nhiều hiện tượng xuống cấp xảy ra như tường thấm, nứt, trần nhà dột nước. Do quá mệt mỏi khi báo với chủ đầu tư nên gia đình anh tự khắc phục như trám tường, sơn chống thấm để che đi những vết nứt.
“Không hiểu kết cấu xây dựng ở đây như thế nào, nhưng mỗi lần trời mưa nước dột tong tong vào trong nhà luôn. Nhiều lần báo chủ đầu đầu tư để bảo hành nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa khắc phục triệt để. Quá vô trách nhiệm với đồng tiền do công nhân nghèo bỏ ra”- anh Danh bức xúc.
Điều làm hơn 100 chủ hộ ở 2 block chung cư này bức xúc là sau khi đề nghị sửa chữa, chủ đầu tư đã đưa nhà thầu đến tiến hành khắc phục, nhưng thiếu quyết liệt. Đến mùa mưa vào tháng 10/2019 bắt đầu lợp mái hút nước, bơm keo để lợp tôn, nhưng mưa tới là thấm dột nhiều hơn.
Chưa thể cam kết sẽ khắc phục triệt để
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) do Công ty Cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm Chủ đầu tư. Dự án xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức, các đối tượng chính sách xã hội có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên cho công nhân tại TP. Đà Nẵng. Dự án có quy mô gồm 8 tòa nhà chung cư cao từ 12-15 tầng với gần 2.000 căn hộ. Trong đó, khu E1 và E2 thuộc giai đoạn 1 của dự án, được bàn giao và đi vào hoạt động từ ngày 15/12/2019.
Hệ thống điện tại chung cư luôn trong tình trạng chập điện, cháy nổ |
Bà Phùng Thị Hoài Thương - Phó Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước thừa nhận thực trạng thấm dột, chập điện tại 2 tòa nhà E1 và E2 của chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh là có thật và đã xảy ra gần một năm qua với khoảng hơn 100 căn hộ. Hiện, Công ty đang làm việc với nhà thầu thi công tiến hành khắc phục.
Theo bà Thương, đơn vị thi công ban đầu của tòa nhà E1, E2 lần lượt là Công ty cổ phần xây dựng công trình 69 và Công ty cổ phần Vinaconex 16, tuy nhiên, giai đoạn sau chủ đầu tư đã thay đổi Công ty Cổ phần đầu tư Licogi 13 thi công. Khi xây dựng, phía chủ đầu tư không thể dự kiến được tình trạng thấm dột như hiện nay.
Về vấn đề xảy ra tình trạng thấm dột ngay khi lợp mái, bà Thương cho rằng, trước đó mái của công trình được xây dựng theo kết cấu mái bằng. Khi mưa lớn, mái bằng khiến một số vị trí bị trũng nước, dẫn đến thấm nước (mái sử dụng gạch không nung, độ thấm nước cao) xuống các tầng bên dưới.
Nhà đầu tư cải tạo bằng cách làm mái nhọn, lợp tôn. Trong quá trình lợp phải bóc tách các lớp vôi vữa cũ tại phần mái. Quá trình này cũng bao gồm việc cào luôn lớp chống thấm cũ của công trình, và để lại các rãnh, lỗ tạm thời khi thi công. Cộng với tháng 10 (tháng thi công mái có mưa lớn) tạo nên việc người dân thấy nước dột, thấm nhiều hơn.
Người dân phải tự trám trần, sơn chống thấm để ở tạm |
“Chúng tôi cho rằng để xảy ra tình trạng này là phương án không phù hợp. Hơn nữa thời điểm xây dựng công trình là mùa mưa, phía thi công và chủ đầu tư cũng muốn đẩy nhanh tiến độ nên công tác chống thấm không đảm bảo. Ngoài ra, công trình sử dụng gạch không nung, độ ngậm nước nhiều hơn gạch đỏ nên dẫn đến tình trạng thấm. Khi thực hiện phương án cũ không xử lý được hậu quả thì hiện tại đang lên phương án mới là chống thấm lại, cán vữa, lót gạch chống nóng và lợp tôn. Dự kiến khoảng cuối tháng 11/2019 sẽ xử lý xong”- bà Thương khẳng định.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về chất lượng chống thấm sau khi khắc phục, bà Thương cho biết, phải đến tháng 12 thì mới thẩm định được, trường hợp nếu như vẫn có hiện tượng nhà dân bị dột thì bên đơn vị sẽ thúc đẩy đến khi nào hoàn thiện bên mình mới chấm dứt nghĩa vụ.
Hiện nay, dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) mới bàn giao nhà ở giai đoạn 1 và sắp tiến hành, mở bán các block tiếp theo. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng diễn ra tại các căn hộ E1, E2 của dự án khiến không ít người nộp hồ sơ mua nhà phải lo lắng, băn khoăn về tính mạng cũng như chất lượng công trình sau khi bàn giao.