Góc khuất các khu công nghiệp ở Thừa Thiên Huế - Bài 3: Tìm phương án tháo gỡ!

Đất đai - Ngày đăng : 14:56, 20/11/2019

(TN&MT) - Nhiều dự án ở các Khu công nghiệp (KCN) tại Thừa Thiên Huế hiện nay triển khai chậm chạp do khó khăn trong công tác huy động, giải ngân vốn đầu tư và thị trường kinh tế biến động. Cơ quan chức năng đã và đang thu hồi, giám sát những dự án này cũng như kêu gọi đầu tư...

KCN Phú Bài đang tương đối hoàn chỉnh và phát triển nhất so với các KCN còn lại tại Thừa Thiên Huế

Thu hồi, siết chặt nhiều dự án

Thừa Thiên Huế đang tồn tại 6 KCN gồm KCN Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.393,47 ha. Qua thống kê của cơ quan chức năng, đến tháng 10/2019, trên địa bàn các KCN này có 100 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 19.113 tỷ đồng, tổng diện tích cấp phép đầu tư dự án khoảng 1.225,6 ha (bao gồm diện tích cấp phép cho nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong KCN).

Trong đó, 62 dự án tại KCN Phú Bài, vốn đầu tư đăng ký 11.428,4 tỷ đồng, diện tích cấp phép đầu tư dự án khoảng 380,6 ha; 14 dự án tại KCN Phong Điền, vốn đầu tư đăng ký 3.670,8 tỷ đồng, diện tích cấp phép đầu tư dự án khoảng 610 ha; 11 dự án tại KCN La Sơn, vốn đầu tư đăng ký 2.713 tỷ đồng, diện tích cấp phép đầu tư dự án khoảng 157,7 ha; 10 dự án tại KCN Phú Đa, vốn đầu tư đăng ký 752,5 tỷ đồng, diện tích cấp phép đầu tư dự án khoảng 35,5 ha; 3 dự án tại KCN Tứ Hạ, vốn đầu tư đăng ký 548,3 tỷ đồng, diện tích cấp phép đầu tư dự án khoảng 41,8 ha; KCN Quảng Vinh chưa có dự án đầu tư.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, nhìn chung sau khi được cấp phép đầu tư dự án, nhà đầu tư đã thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh dự án triển khai đúng tiến độ, do khó khăn trong công tác huy động, giải ngân vốn đầu tư và thị trường kinh tế biến động không có đầu ra sản phẩm, dẫn đến một số dự án triển khai chậm tiến độ, chấm dứt hoạt động dự án. Thời gian qua, BQL đã rà soát, chấm dứt hoạt động 2 dự án là “Dự án nhà máy sản xuất, chế tạo, lắp ráp máy máy nông lâm nghiệp” của Công ty TNHH MTV Sản xuất Chế tạo lắp ráp máy nông nghiệp tại KCN Phú Bài và “Dự án đầu tư sản xuất phụ kiện Phong Điền” của Công ty TNHH Phụ kiện HIVI Việt Nam tại KCN Phong Điền.

Nhiều diện tích đất ở KCN Quảng Vinh đang bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên...

Ông Ngô Văn Phong - Trưởng phòng Đầu tư BQL Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, trên địa bàn các KCN tỉnh có 5 dự án chậm tiến độ thực hiện, BQL đang rà soát thủ tục chấm dứt hoạt động những dự án này.

Cụ thể, Dự án nhà máy may Vương Thy (Công ty CP Vương Thy), vốn đầu tư khoảng 83 tỷ đồng, diện tích đầu tư khoảng 4,6 ha chậm tiến độ hoàn thành hơn 12 tháng; đóng tại KCN Phú Đa. Dự án nhà máy bao bì và công nghiệp phụ trợ Phú Đa (Công ty CP SX&TM Hoàng Gia Phát), vốn đầu tư khoảng 35 tỷ đồng, diện tích đầu tư khoảng 2,8 ha chậm tiến độ hoàn thành giai đoạn1 hơn 11 tháng; đóng tại KCN Phú Đa. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phú Bài (Công ty TNHH ACE VINA Constructions), vốn đầu tư khoảng 96 tỷ đồng, diện tích đầu tư khoảng 40 ha chậm tiến độ hoàn thành hơn 106 tháng. Dự án nhà máy sản xuất gạch không nung (Công ty TNHH MTV Linh Ngọc), vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, diện tích đầu tư khoảng 5,1 ha, dự án chậm tiến độ hoàn thành hơn 40 tháng; đóng tại KCN La Sơn. Dự án nhà máy sản xuất viên nén năng lượng (Công ty CP Đầu tư Long Phụng), vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, diện tích đầu tư khoảng 3,7 ha, dự án chậm tiến độ hoàn thành hơn 36 tháng; đóng tại KCN La Sơn.

Tìm phương án kêu gọi đầu tư

Các KCN của tỉnh Thừa Thiên Huế đang hoạt động tuy đã được đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng kết cấu hạ tầng KCN vẫn thiếu đồng bộ với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào. Chất lượng công tác quy hoạch KCN và triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt còn chưa chưa tốt, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành; chưa có kế hoạch thực hiện đầu tư theo quy hoạch và phân kỳ hợp lý dựa trên khả năng thu hút đầu tư.

Ở một số khu đất của các KCN, đợi mãi không thấy nhà đầu tư nào triển khai, đất bỏ hoang lâu ngày nên người dân đã quay lại trồng sắn, trồng mía... để kiếm thêm thu nhập. Hiện khoảng 90% KCN tại Thừa Thiên Huế vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nguy cơ ô nhiễm cực kỳ cao.

Cơ quan chức năng đã thu hồi nhiều dự án ở các KCN. Trong ảnh là KCN La Sơn

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Văn Tuệ - Trưởng BQL các Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 6 KCN trên địa bàn tỉnh thì chỉ có KCN Phú Bài tương đối hoàn chỉnh, các KCN còn lại đang khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, bởi chưa có hạ tầng (đường, điện, nước, khu xử lý rác thải, nước thải...), chưa quy hoạch hoàn chỉnh. Việc chưa thu hút được nhà đầu tư do quảng bá chưa mạnh. Tỉnh chưa ban hành chính sách đầu tư riêng cho các KCN. Mặt khác, các nhà đầu tư tiếp cận mặt bằng rất khó do việc giải phóng đất đai và mặt bằng rất chậm. Trong lúc đó, có không ít nhà đầu tư xin đất nhưng chậm triển khai dự án, tìm cách gia hạn kéo dài...

“Trong thời gian tới, để tăng cường thu hút đầu tư dự án vào các KCN tỉnh, BQL sẽ tập trung đổi mới phương thức về xúc tiến đầu tư, cải cách các thủ tục hành chính đơn giản, rút ngắn thời gian xử lý, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động”, ông Tuệ nhấn mạnh.

Cũng theo BQL các Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, đối với các dự án chậm tiến độ thực hiện, BQL yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình triển khai dự án và xây dựng kế hoạch triển khai tháng tiếp theo; trên cơ sở báo cáo của nhà đầu tư, định kỳ hàng quý tổ chức giao ban tại công trường dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời có biện pháp xử lý dứt điểm nếu nhà đầu tư tiếp tục chậm triển khai hoặc không đưa dự án đi vào hoạt động trở lại...

Văn Dinh