“Alo Cơm Trưa!” mô hình khởi nghiệp, bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng

Xã hội - Ngày đăng : 09:12, 20/11/2019

(TN&MT) - Với khẩu hiệu “Cơm sạch, Cơm xanh, Bảo vệ môi trường”, quán cơm “Alo Cơm Trưa!” (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) là mô hình mới trong hoạt động hỗ trợ thanh niên khó khăn khởi nghiệp của quận Sơn Trà.

Không gian sạch sẽ, thoáng đãng của Alo Cơm Trưa

“Alo Cơm Trưa!” là dự án được tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) và Đoàn Thanh niên quận Sơn Trà tài trợ 230 triệu đồng để xây dựng, mua sắm dụng cụ và UBND quận Sơn Trà hỗ trợ mặt bằng miễn phí. Sau khi quán đi vào hoạt động (tháng 9/2019), quán được hoàn toàn giao lại cho ba gia đình với 10 thành viên tự quản lý, tự cân đối thu chi và trả lương cho các thành viên. Tháng đầu tiên hoạt động, mỗi người đã được hỗ trợ sáu triệu đồng tiền lương.

Chị Trà Linh (38 tuổi), làm việc cùng con trai Lê Chí Tâm (sinh năm 2003) tại quán cho biết, Tâm học xong lớp 9 thì nghỉ học, trong thời gian đó, em theo bạn bè đi chơi, không xác định nghề nghiệp cho tương lai. Một lần, được tham gia khoá học kỹ năng của tổ chức Tầm nhìn thế giới em quyết định đi học nghề nấu ăn cùng với sự hỗ trợ của chương trình. Sau khoá học, Chí Tâm được hỗ trợ làm đầu bếp tại Alo Cơm trưa.

Ban ngày, chị Trà Linh làm việc ở quán cơm, tối chị phụ nấu bếp ở quán nhậu, mặc dù thời gian làm việc liên tục từ sáng đến khuya nhưng được đi làm cùng con, nhìn thấy con chăm chỉ làm việc, năng nổ, nhiệt tình chị cảm thấy rất hạnh phúc.

Hướng đôi mắt âu yếm nhìn về phía cậu con trai đang xếp các suất ăn ở khay và hộp xốp vào các túi và mang ra xe, chị Ngô Thị Lan (46 tuổi) cho biết đó là Hà, con trai chị. Hà (sinh năm 1998) hiện đang là shipper của quán. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hà ở nhà nhiều năm nay, được gia đình và đoàn thanh niên phường động viên hỗ trợ, Hà vào làm việc tại quán cơm. Ngoài những lúc đi ship hàng, Hà tranh thủ thời gian rảnh phụ mọi người bưng bê, gọi món cho khách.

Từ khi làm shipper cho Alo Cơm Trưa, Mai Văn Hà không chỉ có được thu nhập ổn định mà còn năng nổ và tháo vác hơn

Không chỉ con trai có được việc làm, siêng năng chăm chỉ hơn, chị Lan cũng có thêm thu nhập nhờ được làm phụ bếp ở quán. “Trước nay làm nghề nội trợ, gia đình năm người phụ thuộc vào thu nhập chính từ nghề đi biển của chồng. Tôi được giới thiệu về làm việc tại quán cơm cùng với con trai và tháng đầu tiên, tôi đã được nhận sáu triệu đồng tiền lương”, chị Lan vui mừng kể.

Mở bán chưa được bao lâu nhưng Alo Cơm trưa! lúc nào cũng đông khách. Có mặt ở quán lúc 10h sáng, đây là thời gian chuẩn bị để đón khách nên ai nấy đều bận rộn. Mặc dù chỉ là quán cơm bình dân, nhưng quán được thiết kế rất trang nhã, không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Các phần cơm có giá từ 20 đến 25 nghìn đồng, với bốn món, cơm, canh, rau, món mặn, thực đơn được thay đổi mỗi ngày làm cho khách không bị ngán khi ăn liên tục ở quán. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 200 suất cơm trưa được bán ra.

Em Tấn Phát (học sinh trung học trường Phạm Ngọc Thạch) vừa ăn xong khay cơm trưa nhận xét: “Cơm ở đây rất dễ ăn, món ăn vừa phong phú, vị lại giống như ăn cơm ở nhà. Mặc dù rất ít khi ăn cơm quán nhưng em thấy chất lượng của quán này rất được, không gian cũng sạch mà thức ăn cũng rất đảm bảo”.

Ngoài hộp cơm làm từ bã mía, các dụng cụ ở quán đều rất sạch sẽ, thân thiện môi trường

Với tiêu chí “cơm sạch, cơm xanh, bảo vệ môi trường”, quán sử dụng hộp xốp làm từ bã mía, đũa ăn, túi đựng dễ phân huỷ và khay đựng cơm thân thiện môi trường.

Được biết, các sản phẩm làm từ bã mía rất an toàn cho sức khỏe, đặc biệt, không gây ung thư. Sản phẩm làm 100% từ bã mía, có thể sử dụng trực tiếp trong lò vi sóng, đựng thức ăn nóng hoặc dầu ăn trên 100 độ C mà không lo sợ sản phẩm có độc tố gây hại nhiễm vào thức ăn như những sản phẩm nhựa, xốp đang có trên thị trường.

Hộp bã mía có khả năng tự phân hủy trong vòng 6 tuần dưới đất. Và trong vòng 180 ngày sẽ phân hủy thành phân bón hữu cơ. Hộp bã mía còn không bị rò rỉ với nhiệt độ nước 100˚C và dầu 120˚C và không có chất độc thôi ra khi đựng đồ nóng. Chính vì những ưu điểm này mà bộ sản phẩm hộp xốp bã mía mặc dù có giá thành cao hơn 0,5 lần so với hộp xốp bình thường, nhưng quán vẫn quyết tâm sử dụng.

Anh Phạm Đình Nam, Bí thư Quận Đoàn Sơn Trà cho biết, trong năm 2019, đơn vị đã tập trung tìm hiểu các mô hình thanh niên làm kinh tế ở các vùng đô thị tại các thành phố lớn, từ đó chọn lựa một số mô hình phù hợp để gợi mở cho thanh niên trên địa bàn quận. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên vi phạm pháp luật được tổ chức đoàn cảm hóa giúp đỡ, các thanh niên chưa qua các trường lớp đào tạo về nghề... để hỗ trợ.

Yến Nhi