Nghị quyết 120 mở hướng cho miền Tây vươn ra biển lớn - Bài 3: Sử dụng tài nguyên bền vững, phát triển kinh tế sinh thái
Tài nguyên - Ngày đăng : 19:39, 19/11/2019
Hệ sinh thái trên các đảo biển Tây Nam sinh tồn nhờ nguồn nước ngọt và thảm thực vật trên đảo chính là điều kiện để giữ nguồn nước ngọt cung cấp cho tài nguyên nước ngầm (A: H.Hiếu) |
Suy kiệt nguồn nước ngọt do BĐKH và tác động từ thực tiễn phát triển
Thế giới sinh vật của hệ sinh thái biển đảo Tây Nam phát triển phong phú, đa dạng. Điển hình là vùng biển đảo Phú Quốc, với 1.164 loài thực vật, 150 loài động vật hoang dã, 252 loài san hô, đặc biệt là hệ sinh thái thảm cỏ biển có khoảng 10 loài, diện tích 100km2, được xem là đa dạng sinh học lớn nhất so với các thảm cỏ biển trong cả nước, trong thảm cỏ biển có nhiều loài thú biển quý hiếm như Dugong, cá Heo,… Sự phong phú này nhờ vị trí địa lý, không gian nằm trong đới nội chí tuyến gió mùa, chế độ nhiệt không khí tại các đảo có lượng mưa lớn so với đất liền (bình quân trên 3.000mm/năm).
Nguồn nước ngọt tự nhiên trên các đảo vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) khá dồi dào, là điều kiện duy trì sự sống động - thực vật, tiền đề cho hệ sinh thái trên rừng tồn tại, và hệ sinh thái rừng bảo vệ nguồn nước ngầm cùng lớp đất mặt trên đảo. Tuy nhiên, phần lớn các đảo biển Tây Nam đều gặp khó khăn về nguồn nước ngọt tự nhiên trong mùa khô do mặt đất, thảm thực vật hạn hẹp, trữ lượng không nhiều và những năm gần đây có xu hướng cạn kiệt.
Một số đảo, cụ thể như Phú Quốc trước đây có 3 dòng sông (10km), 5 dòng chảy dạng suối, nhưng nay 3 dòng sông đều có dấu hiệu bị ô nhiễm, hầu hết 5 dòng suối đều không còn nước vào mùa khô. Tình trạng thiếu nước ngọt, nhất là những đợt hạn hán gay gắt kéo dài diễn ra phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sống của hệ sinh thái ở nhiều điểm đảo như Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương,… (thuộc Khu Dự Trữ Sinh Quyển Kiên Giang), cụm đảo hòn Khoai (thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia) và sinh kế của hàng chục ngàn cư dân. Mùa khô, cư dân ở nhiều điểm đảo đã phải mua 1m3 nước ngọt từ đất liền chuyển ra bán với giá 150.000 đồng.
“Tài nguyên nước là sản phẩm của khí hậu. BĐKH gây nên bất thường về độ bốc hơi, nhiệt độ tăng, hạn kéo dài,… tác động đến nguồn nước, làm suy giảm, khan hiếm nước ngọt vào những tháng khô hạn cộng với sự tác động không hợp lý từ thực tế phát triển đã góp phần làm suy giảm các hệ thực vật trên đảo và gia tăng độ bốc hơi, thiếu hụt nguồn nước ngọt trên các đảo trầm trọng thêm. Tài nguyên nước ngầm vốn đã kém, phân bố không đều, lại bị khai thác chưa hợp lý nên cũng suy giảm và có biểu hiện nhiễm bẩn vi sinh, nhiễm mặn” - TS. Trương Minh Chuẩn, lý giải.
Hệ sinh thái nước ngọt trên các đảo có mối tương tác hữu cơ với hệ sinh thái biển, nhất là nguồn nước ngọt từ các đảo chảy ra hòa loãng nước biển ven đảo tạo môi trường sinh tồn của nhiều loài động thực vật biển đặc sản, quý hiếm |
Quản lý, điều tiết sử dụng bền vững nguồn nước ngọt, duy trì tương tác hữu cơ với hệ sinh thái biển
Nhu cầu trữ nước mưa, chủ động nguồn nước sinh hoạt ở các đảo ngày càng bức xúc. “Lâu nay nhu cầu thiết yếu của đảo hòn Chuối cũng như nhiều điểm đảo tiền tiêu là cần được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trữ nước mưa đủ để cư dân, cán bộ, chiến sỹ sinh hoạt giữ đảo, bám biển trong mùa khô và hệ thống xử lý chất thải, rác thải để bảo vệ môi trường trên đảo” - Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn biên phòng 704 - hòn Chuối (tỉnh Cà Mau), cho biết.
Hệ thống sông, suối trên các đảo bị lấn chiếm, xả thải gây ô nhiễm cần được chú trọng khôi phục cùng với ao, hồ, để đáp ứng yêu cầu điều tiết nguồn nước mặt. Sau đợt ngập lụt lịch sử đầu tháng 8/2019, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Quốc đã chính thức đề nghị tỉnh Kiên Giang khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối; xây kè chống lấn chiếm rạch ông Trì, rạch SOMACO, sông Dương Đông... triển khai đầu tư hồ điều tiết cho khu vực thị trấn Dương Đông.
Ông Huỳnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể địa phương tăng cường phối hợp vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về vấn đề thoát nước đô thị, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, trực tiếp tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, không vứt rác, không xây dựng lấn chiếm sông, suối.
Những bất cập lộ diện từ thực tiễn ở các đảo cũng đang đòi hỏi chính quyền, cơ quan chức năng có giải pháp điều chỉnh hàng loạt tác động thô bạo, xâm hại môi trường trường sinh thái, dẫn đến suy kiệt nguồn nước. Nhất là các yêu cầu khai thác nước ngầm hợp lý, giảm sự tác động vào sườn núi (từ các điểm khai thác khoáng sản quặng), tăng cường bảo vệ rừng, khuyến khích gia tăng diện tích thảm thực vật, giữ địa hình, thổ nhưỡng, cảnh quan, tăng khả năng giữ ẩm, điều hòa khí hậu, giữ được nguồn nước mưa cung ứng cho tài nguyên nước ngầm, tạo điều kiện cho các hệ sinh thái, tài nguyên sinh vật phát triển.
TS. Trương Minh Chuẩn khẳng định, quản lý, điều tiết, sử dụng bền vững nguồn nước ngọt, giữ hệ sinh thái nước ngọt cho các đảo cũng sẽ giữ được hạt nhân qui tụ, môi trường nền để các hệ sinh thái đảo và biển cùng tồn tại và phát triển.
“Các hệ sinh thái trên đảo và các hệ sinh thái vùng biển xung quanh đảo có những tương tác tạo thành mối quan hệ hữu cơ, hỗ trợ nhau để cùng duy trì và đã tạo ra một môi trường biển đảo hấp dẫn, nhiều nguồn lợi với nhiều hệ sinh thái đặc thù, như: rừng nhiệt đới - gió mùa, rừng ngập mặn, san hô, thảm cỏ biển, vùng biển triều nông,… Cảnh quan các đảo tạo thành không gian thống nhất: bãi biển, mặt biển, rừng núi, sông suối, các hệ sinh thái… tất cả hòa quyện để vùng biển đảo sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh độc đáo” - TS. Chuẩn, diễn giải.
Cùng với việc gìn giữ hệ sinh thái nước ngọt trên các đảo, duy trì sự tương tác hữu cơ với các hệ sinh thái biển, theo TS. Trương Minh Chuẩn, cần có biện pháp tăng cường giám sát, xử lý các phương tiện đánh bắt hải sản không tuân thủ những qui định chung trong hoạt động khai thác thủy hải sản.
Để ngăn chặn tình trạng gây tổn thương đến nền đáy một số khu vực biển xung quanh các đảo, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến vùng sinh sản, nơi cư trú, nguồn thức ăn của 1 số loài hải đặc sản, một số loài cá quý, ngay như cá cơm cũng giảm, 1 số loài động vật trong sách đỏ như Dugong, rùa biển,… Và ngăn chặn xu hướng suy giảm hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái rạn san hô và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Nuôi cá bớp lồng bè là một trong những mũi nhọn đang được khuyến khích phát triển tại đảo hòn Chuối (Cà Mau) và Kiên Hải (Kiên Giang) phụ thuộc chú yếu vào chất lượng nguồn nước biển ven đảo |
Phát triển kinh tế sinh thái là hướng đi bền vững
“Tài nguyên nước mặn, cũng giống như tài nguyên nước lợ và tài nguyên nước ngọt đều có những giá trị sinh thái quan trọng nhưng cũng rất mong manh nếu có sự can thiệp thô bạo từ con người, do vậy, các tài nguyên này cần phải bảo vệ và khai thác hợp lý” – TS. Lê Anh Tuấn, lưu ý.
Để các giải pháp ngăn chặn suy thoái hệ sinh thái nước ngọt, duy trì tương tác hữu cơ với hệ sinh thái biển được thực thi có hiệu quả thích ứng với BĐKH, thì nội dung các giải pháp này cần phải được tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Theo TS. Lê Anh Tuấn, thì việc tích hợp này phải được thực hiện qua sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức ban ngành liên quan, kể cả việc rà soát các thể chế, chính sách hiện có phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội dưới điều kiện có BĐKH trong tương lai.
Tham kiến về định hướng phát triển kinh tế biển đảo Tây Nam, TS. Trương Minh Chuẩn, cho rằng: “Hệ sinh thái biển đảo Tây nam rất quí giá nhưng rất mong manh, dễ suy thoái nhưng rất khó hồi phục. Do đó, nên phát triển kinh tế đảo biển dựa trên cơ sở của kinh tế sinh thái. Đây là hướng đi để tiến tới phát triển bền vững cho hệ thống đảo biển Tây Nam”.
TS. Trương Minh Chuẩn, cũng cho rằng về định hướng chiến lược cụ thể cho vùng biển đảo Tây Nam chưa thể hiện rõ. Tuy nhiên, quá trình hoạch định chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ thích ứng với BĐKH về phần biển đảo Tây Nam thì có thể tích hợp nội dung những định hướng chiến lược mà Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám BCH TW Đảng khóa XII “về Chiến lược phát triển bền vững kinh biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045” đã đề ra.
Nghị quyết 36-NQ/TW, đã xác định: “Vùng biển và ven biển Tây Nam bộ (từ Tiền Giang đến Kiên Giang), tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế; phát triển công nghiệp khí, chế biến, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới”.
“Vùng biển đảo và đất liền luôn xảy ra quá trình tương tác giữa biển và lục địa. BĐKH trong đó hiện tượng nước biển dâng và gió bão lớn đều xuất hiện từ biển. Do vậy việc quan trắc thường xuyên môi trường biển sẽ là cơ sở ứng phó kịp thời, hiệu quả, để có biện pháp phòng chống, thích nghi với các hiện tượng tự nhiên xảy ra trên các đảo như nhiệt độ bất thường, hiện tượng mưa tăng đột biến gây ngập lụt cục bộ, các hiện tượng BĐKH cũng có tác động đến đất liền. Việc quan trắc môi trường biển và dự báo thường xuyên sẽ hạn chế được những thiệt hại do BĐKH gây ra” - TS. Trương Minh Chuẩn.
Bài 4: Quy hoạch tích hợp phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ cần có phần biển đảo Tây Nam