Vĩnh Phúc từng bước trở thành trung tâm kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 15:13, 19/11/2019

(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc là điểm sáng của cả nước với nhiều thành tựu nổi bật về chỉ tiêu thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, thu hút đầu tư nước ngoài... Với những giải pháp đột phá, Vĩnh Phúc đang từng bước trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc Bộ và cả nước.

Theo báo cáo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 27.794 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 24.209 tỷ đồng đạt 99,8% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 3.585 tỷ đồng, đạt 101% dự toán. Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 74,4% tổng số thu nội địa với hơn 17.800 tỷ đồng; các khoản thu từ đất đạt trên 3.000 tỷ đồng, chiếm 12,8%...

Tình hình sản xuất công nghiệp tháng 10/2019 tiếp tục tăng trưởng khá  cao với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 8%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng gần 21%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng gần 29%.  

Theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số (tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2018). Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành như: Sản xuất linh kiện điện tử tăng hơn 46%, ngành sản xuất thiết bị điện tăng gần 28%; ngành sản xuất kim loại tăng gần 27%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim tăng gần 20%.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2019

Về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh dù gặp phải nhiều khó khăn thách thức như thiên tai, dịch tả lợn Châu Phi hoành hành... nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, hoạt động sản xuất đã dần ổn định trở lại. Về trồng trọt, tính đến ngày 15/10 toàn tỉnh đã gieo trồng được 11.738 ha hoa màu các loại (bằng 91,15% so với cùng kỳ năm ngoái). Tổng số lượng đàn trâu hiện có 17.822 con, đàn bò có 109.058 con (trong đó có 12.550 con bò sữa), gia cầm có 11.050 con. Trong đó, số lượng đàn lợn bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch tả lợn Châu Phi, hiện chỉ còn 455.250 con, giảm hơn 28% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ sản xuất công nghiệp mang lại, tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất quan tâm đến công tác bảo vệ rừng nguyên sinh, cũng như việc trồng mới, phủ xanh đất trống đồi trọc. Cụ thể, toàn tỉnh đã trồng mới 700 ha rừng tập trung (tăng 1,45 % so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 71 ha, còn lại 629 ha là rừng sản xuất. Vườn Quốc gia Tam Đảo đã lên kế hoạch khoanh nuôi, tái sinh phục hồi rừng, trong đó có 160 ha được duy trì thường xuyên.

Không chỉ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, những năm qua, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) nông nghiệp, nông thôn. Chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, liên doanh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm… Một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường, bước đầu hình thành một số mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn năm 2018 đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 26 triệu đồng so với năm 2010.

Những kết quả nổi bật trong phát triển KTXH của tỉnh trong năm qua là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đề ra những giải pháp quan trọng thực hiện thắng lợi những năm tiếp theo, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

 

Huyền Thư