Cần một nguồn lực tốt

Xã hội - Ngày đăng : 12:52, 19/11/2019

(TN&MT) - “Nguồn lực phát triển đất nước ta không phải là rừng vàng biển bạc, cái chính là gần 100 triệu người Việt Nam” - Đây là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa nhắc đến tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” hôm 16/11.

Thế nhưng, nhìn lại đội ngũ nguồn nhân lực của chúng ta, dễ nhận thấy, còn nhiều điều phải suy ngẫm.

Nhìn quãng thời gian 30 năm trở lại đây, có thể thấy, gia tăng dân số và lực lượng lao động đã là một động lực quan trọng, đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia. Tuy vậy, phải nhìn nhận một cách thực tiễn, kể từ năm 2013, quy mô lao động của Việt Nam đã bắt đầu tới hạn so với quy mô của nền kinh tế.

Cơ cấu lao động qua đào tạo, xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý, còn phổ biến tình trạng thiếu thầy, thiếu cả thợ chứ không phải “thừa thầy, thiếu thợ”. Còn tâm lý của cha mẹ là con mình không vào được đại học thì mới học nghề. Nhiều người làm trái ngành nghề.

Không chỉ có thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Việt Nam có số lao động đứng thứ 3 ASEAN nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt trên 22%, chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Singapore.

Hiện nay, Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 13, 14 trên thế giới và đặc biệt là chúng ta có quy mô nền kinh tế đứng thứ 37, 38 nhưng chưa vào được TOP 50 thế giới về đào tạo nghề nghiệp - đó là điều mà Chính phủ vô cùng “sốt ruột”.

Ảnh minh họa

Chúng ta có hơn 460 trường đại học và cao đẳng, gần 2.000 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề cho đến cấp huyện. Chính từ đây đã đào tạo cho đất nước bao nhân tài, bao cán bộ khoa học, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Nhưng sòng phẳng khi đặt câu hỏi rằng: Chúng ta đã sử dụng hết nguồn lực này chưa? Câu trả lời rằng chưa. Và điều đau lòng là một bộ phận những người có thực tài đã không được sử dụng tốt, nhưng khi ra nước ngoài họ được trọng dụng, được trả mức lương hậu hĩnh. Còn trong nước, một bộ phận cán bộ nghiên cứu khoa học vẫn “vật vã” trước bao hoài bão, ý tưởng.

Đó là chưa kể hàng trăm công trình nghiên cứu, bảo vệ xong rồi bỏ đấy. Cũng theo đó, một bộ phận “tiến sĩ giấy” ra đời theo kiểu lục tìm để… chép (chưa nói đến những trường hợp thuê làm luận văn hay thầy làm hộ trò, nhân viên làm hộ thủ trưởng…).

“Đừng đào tạo thứ người ta không cần”, điều này cũng được Thủ tướng nhắn nhủ. Ngay trên diễn đàn Quốc hội tuần qua, có đại biểu đã chỉ ra rằng, cơ chế tuyển dụng lao động trong các cơ quan Nhà nước, nếu không thay đổi sẽ rất dễ lãng phí một nguồn lực chất xám rất lớn (lực lượng lao động có trình độ thực sự). Đặc biệt, cần loại bỏ tâm lý “sính bằng cấp” vốn rất nặng nề. Nếu không có động cơ cạnh tranh, vẫn duy trì cơ chế, tư duy, văn hóa ứng xử kiểu: “nhất quan hệ, nhì tiền tệ…” sẽ ngày càng có nhiều “tiến sĩ giấy” và những nghiên cứu khoa học “giả vờ”.

Phát triển kinh tế phải gắn với thúc đẩy an sinh xã hội, phải thu bớt khoảng cách giàu nghèo, đó là mong muốn của bất cứ quốc gia nào. Nếu kinh tế phát triển mà một bộ phận người lao động không được quan tâm đúng mức, sự phát triển ấy chỉ đem lại lợi ích cho một số người. Kinh tế tăng trưởng mà tỷ lệ nghịch với nó là sự xuống cấp của môi trường sống, một bộ phận người dân không có được một “công việc tử tế” để nuôi sống bản thân, gia đình và phục vụ xã hội thì phải xem lại tính bền vững của sự tăng trưởng ấy.

Nếu những kẻ tham quyền tiến thân từ mua bằng cấp vẫn cảm thấy an toàn mà không bị truy tố, họ sẽ có khuynh hướng lấn xa hơn nữa. Bản thân điều này có thể gây bất ổn. Nguy cơ lớn hơn là làm mục ruỗng từ trong hệ thống, cản trở sự phát triển.

Ở thời điểm này, những nguy cơ ấy là hiện hữu. Bởi, chừng nào còn thiếu sự minh bạch trong việc tuyển lựa, sử dụng cán bộ, chừng đó còn những quan tham đục khoét ngân sách Nhà nước. Theo đó, con số những cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ thất nghiệp sẽ càng lớn hơn.

 

Ngọc Lý