Điện Biên quyết liệt xử lý rác thải nông thôn

Môi trường - Ngày đăng : 12:51, 19/11/2019

(TN&MT) - Bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực của các địa phương, linh hoạt trong thực hiện Tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác thu gom, xử lý chất thải rắn ở các vùng nông thôn tỉnh Điện Biên đang từng bước được cải thiện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo ước tính, tổng số chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát thải khoảng 2.620.688 tấn/năm. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón. Tuy vậy, trước khi đưa vào sử dụng, việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo quy mô. Với quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại, việc xử lý chất thải chăn nuôi phần lớn áp dụng theo phương pháp sinh học.

Thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn Điện Biên còn nhiều nan giải

Tại nhiều vùng nông thôn tỉnh Điện Biên, hiện tượng vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi vẫn còn phổ biến, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như đến sức khỏe cộng đồng do các hóa chất còn sót lại trong các chai lọ và vỏ bao bì. Trung bình mỗi năm, tỉnh Điện Biên ước tính phát sinh khoảng 4,5 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện, toàn tỉnh Điện Biên có 119 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng việc thu gom mới chỉ tập trung ở huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Sở TN&MT Điện Biên đã chủ trì tiến hành 2 đợt thu gom vận chuyển xử lý hóa chất bảo vệ thực vật và vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh với tống khối lượng 3.450 kg (đợt 1 năm 2010 khối lượng 1.745 kg và đợt 2 năm 2018 khối lượng 1.705 kg), với tổng kinh phí vận chuyển xử lý 270 triệu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

Trung bình mỗi ngày, lượng rác thải rắn khu vực nông thôn tỉnh Điện Biên phát sinh trên 205 tấn.

Hiện tại, huyện Điện Biên có 14/25 xã đạt Tiêu chí số 17 về môi trường. Ông Đặng Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Phụ trách, Phòng TN&MT huyện Điện Biên cho biết: Đẩy mạnh thực hiện Tiêu chí môi trường, huyện Điện Biên đã thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tại xã Núa Ngam, Mường Nhà, Mường Pồn từ vốn sự nghiệp Ngân sách Trung ương năm 2018; thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường, qua đó, nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, sản xuất chế biến, từng bước thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Năm 2019, bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường huyện bố trí kinh phí xây dựng mới 49 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn 9 xã.

Nhờ tuyên truyền vận động ý thức người dân trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được nâng cao

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác chưa hợp lý, gây tốn kém quỹ đất; công nghệ lò đốt chưa phù hợp; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, xả rác thải không đúng nơi quy định và chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường tại khu vực mình sinh sống.

Để tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn trên địa bàn, Sở TN&MT Điện Biên đã chủ trì, phối hợp tổng hợp khối lượng, xây dựng nhu cầu kinh phí để thực hiện thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, làm đầu mối hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại để tiến hành vận chuyền, xử lý đúng theo quy định.

Huyện Điện Biên bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường để xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, rà soát các mô hình bảo vệ môi trường hiện có, nhân rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xây dựng các mô hình mới, chú trọng lồng ghép mô hình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và hành vi thu gom, xử lý rác thải.

 

Trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn tỉnh Điện Biên phát sinh chất thải sinh hoạt khoảng 205,58 tấn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn khu vực dân cư nông thôn ước 19,83% trên tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh. Hiện, tỉnh Điện Biên có 34 xã đạt Tiêu chí số 17 về môi trường nhưng mới có 23/116 xã đã được thu gom, xử lý rác thải vào các bãi chôn lấp hoặc lò đốt chất thải rắn tập trung của huyện.    

Phương Lan