Ô nhiễm không khí làm chết 36.000 người ở Anh mỗi năm

Thế giới - Ngày đăng : 10:58, 19/11/2019

(TN&MT) - Các chuyên gia cho biết không khí độc hại góp phần làm gia tăng các tình trạng sức khỏe như hen suyễn, ung thư và đột quỵ.

Những ngôi nhà của người dân ở cạnh một đường cao tốc ở Bristol. Ảnh: Alamy

Một nghiên cứu cho biết, 5 người chết mỗi tuần ở Bristol, Anh quốc do nồng độ ô nhiễm không khí cao.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học King, London, Anh đã kiểm tra tác động kết hợp của PM2.5, chủ yếu từ đốt gỗ và than trong nước và đốt cháy công nghiệp và nitơ dioxide – phần lớn đến từ các phương tiện cũ gây ô nhiễm.

Các nhà khoa học cho biết hạt PM2.5 và nitơ dioxide gây ô nhiễm không khí ở Bristol làm 260 người chết mỗi năm. Những chất gây ô nhiễm này có thể là nguyên nhân gây tử vong cho 36.000 người trên khắp Vương quốc Anh mỗi năm và cũng góp phần gây ra tình hình sức khỏe nghiêm trọng bao gồm hen suyễn, ung thư phổi, bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.

Đây là lần đầu tiên hướng dẫn mới của Chính phủ về gánh nặng tử vong của Vương quốc Anh về ô nhiễm không khí do một ủy ban cố vấn của Chính phủ phát triển đã được áp dụng cho Bristol, thành phố lớn nhất ở phía Tây Nam nước Anh.

Nghiên cứu cho thấy Bristol có nồng độ ô nhiễm PM2.5 cao hơn so với Liverpool và Greater Manchester nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn - một phần vì nơi đây ít dân cư.

Nghiên cứu cho biết một đứa trẻ sinh năm 2011 có thể chết sớm hơn 6 tháng nếu tiếp xúc suốt đời với ô nhiễm không khí trong thành phố.

Nghiên cứu được công bố khi Thị trưởng thành phố Bristol, ông Marvin Rees tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về ô nhiễm không khí vào ngày 18/11.

Trong tháng này, thành phố Bristol đã công bố các kế hoạch triệt để để giải quyết ô nhiễm không khí, bao gồm đề xuất cấm xe diesel từ các khu vực trung tâm trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều từ năm 2021. Các kế hoạch này phải được chính phủ và các doanh nghiệp chấp thuận.

Nghiên cứu cho thấy chi phí hàng năm về tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí ở Bristol lên tới 170 triệu bảng mỗi năm.

Trong một báo cáo năm 2018, tổ chức Y tế công cộng Anh (Public Health England) đánh giá tổng chi phí quốc gia cho NHS và ngân sách chăm sóc xã hội về ô nhiễm không khí có thể lên tới 5,56 tỷ bảng cho cả PM2.5 và NO2.

Thị trưởng thành phố Bristol Marvin Rees cho biết: “Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức, sinh thái và pháp lý để làm sạch không khí. Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta phải hành động nhanh chóng để cải thiện sức khỏe và cứu sống người dân ở Bristol”.

David Dajnak, nhà khoa học chính về chất lượng không khí trong nhóm nghiên cứu môi trường tại Đại học King, London cho biết nghiên cứu nhấn mạnh cần phải thực hiện hành động nhiều hơn để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí đe dọa đến sức khỏe ở Bristol.

“Nghiên cứu chỉ rõ nồng độ ô nhiễm không khí cao nhất ở Bristol trùng với các khu vực tăng dân số đặc biệt và các khu vực có dân tộc da đen và dân tộc thiểu số cao nhất” - David Dajnak cho biết.

Bristol là một trong một số khu vực ở Anh có nồng độ ô nhiễm không khí bất hợp pháp. Dữ liệu gần đây nhất của chính phủ Anh đệ trình lên EU cho thấy 83% các khu vực ở Anh có nồng độ ô nhiễm không khí bất hợp pháp.

Mai Đan