Góc khuất các khu công nghiệp ở Thừa Thiên Huế - Bài 1: Khu công nghiệp “treo”

Đất đai - Ngày đăng : 17:32, 18/11/2019

(TN&MT) - Hàng loạt khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập, mỗi KCN chiếm một diện tích đất nông nghiệp khá lớn. Tuy vậy, sau nhiều năm, có những KCN chỉ lèo tèo vài nhà máy như KCN Phú Đa; có KCN là bãi đất trống gây lãng phí như KCN Quảng Vinh. Thậm chí, đa số các KCN không hề có hệ thống xử lý nước thải...

KCN Quảng Vinh nay chỉ là bãi đất trống rộng lớn, hiện vẫn chưa có dự án nào được đầu tư

Qua tìm hiểu của PV, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 KCN gồm Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh; tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.393,47 hecta. Việc hình thành các KCN để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó đã và đang khiến đất sản xuất của người dân ngày càng mất dần, trong khi các KCN bị “treo” nhiều năm trời lại gây lãng phí tài nguyên. Cụ thể, KCN Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) hiện tại vẫn chưa hề có nhà máy hay các công trình hạ tầng thiết yếu nào được xây dựng khiến dư luận bức xúc...

KCN Quảng Vinh được thành lập và quy hoạch chi tiết vào năm 2013 với diện tích 130ha, nằm ở xã Quảng Vinh và một phần xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền). KCN Quảng Vinh được định hướng là KCN tổng hợp, đa ngành, trong đó tập trung kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm từ ngành công nghiệp nuôi trồng, chế biển thủy sản, nông sản; chế biến khoáng sản; công nghiệp sản xuất nông ngư cụ; công nghiệp gia công, in ấn bao bì... Thế nhưng, đến nay đã khoảng chục năm, KCN này vẫn “treo”.

Những mốc lộ giới được dựng nên chục năm qua, phía sau là nhiều mồ mã chưa được di dời, giải tỏa

PV nhờ người chỉ đường về KCN thì dù cách xa KCN nhiều cây số, người dân xã Quảng Vinh đã thốt lên rằng “chú về đó làm gì, toàn đất trống, mồ mã với trang trại thôi chứ không có gì để đáng gọi là KCN đâu, được tiếng mà không được miếng, quá lãng phí...”.

Đến nơi, đập vào mắt PV thật sự là bãi đất trống mênh mông, xung quanh hoang sơ vì chưa có một hạng mục công trình nào được xây dựng mà chỉ lèo tèo những cột điện chưa hoàn chỉnh. Hàng trăm mốc lộ giới được cơ quan chức năng đóng xuống cát trắng, tạo thành khuôn viên cho KCN, các cột múc này ghi chữ “RG-KCN”. Các biển cấm chôn cất mồ mã cũng được dựng nên. Bên trong KCN chỉ là rừng rú, ruộng nương, hồ nước, nhiều trang trại nuôi gà, vịt, cá... chưa đền bù giải tỏa, còn khá nhiều mồ mả chưa được di dời. Người dân sống trong vùng quy hoạch thấp thỏm, chẳng biết phát triển kinh tế thế nào cho hợp lý. 

Trong sự bất bình, ông Hồ Quốc Dũng (67 tuổi, thôn Phổ Lại, xã Quảng Vinh) chia sẻ, gia đình ông đến lập trang trại và sinh sống sớm nhất ở đây từ những năm 2000, vì hồi đó nhà nước bảo khuyến khích người dân ra cải tạo vùng rú cát lập trang trại. Khi nghe KCN triển khai thì đất nhà ông Dũng nằm trong khu quy hoạch...

Ông Hồ Quốc Dũng bất bình vì KCN “treo” đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống

“Từ khi họ dựng bảng hiệu đến chừ đã chục năm, giờ bảng hiệu cũng tan nát rồi. Nhà tôi có 6 hecta đất nằm trong KCN này và vẫn chưa đền bù gì. Muốn xây thêm công trình gì hay đầu tư mô hình kinh tế khác cũng không được, hai vợ chồng cứ trồng tràm để mưu sinh thôi. Nay đã già, tôi mong KCN này sớm hình thành, thu hồi đất thì tôi cũng đồng tình, qua đó muốn quê hương phát triển hơn...”, ông Dũng thổ lộ.

Đươc biết từ khi thành lập KCN này, huyện Quảng Điền đã rà soát lên danh sách các hộ nằm trong diện di dời, thống kê nhà cửa, tài sản cây cối và vật kiến trúc trong diện di dời, có chính sách đền bù. Huyện còn triển khai thi công các công trình giao thông quan trọng như tuyến đường tránh lũ từ thị trấn Sịa đến vùng công nghiệp Quảng Vinh với quy mô mặt đường rộng 26m, tuyến đường nối liền tỉnh lộ 11A đến khu công nghiệp rộng 10m... UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đầu tư xây dựng tuyến đường vào KCN với chiều dài 2,6 km, bề rộng 7m thảm nhựa với tổng kinh phí 19,8 tỷ đồng. Thế nhưng những điều này lại chưa có tác dụng...

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, ban đầu KCN được xây dựng trên địa bàn huyện thực sự là tín hiệu vui, với hi vọng sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện ngày càng phát triển. Thế nhưng, hiện KCN Quảng Vinh hiện tại chưa có nhà đầu tư nào là do cơ sở hạ tầng ở KCN thiếu, hệ thống giao thông nội bộ và giao thông vành đai chưa được đầu tư hoàn chỉnh; hệ thống nước sạch, xử lý nước thải, cây xanh trong khu vực chưa được đầu tư. Ngoài ra, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng là một trở ngại lớn cản trở các nhà đầu tư bởi có khá nhiều mồ mả chưa được giải phóng...

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong một lần kiểm tra thực địa ở KCN Quảng Vinh

“Huyện đang cùng với chủ đầu tư là Ban quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh đôn đốc công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp vào hoạt động tại KCN nhưng vẫn chưa khả quan. Hiện tại, nếu KCN có nhà đầu tư hạ tầng thì huyện sẽ kêu gọi một số doanh nghiệp lớn tại địa phương vào sản xuất kinh doanh. Mong rằng cấp trên sẽ có những giải pháp cụ thể, kêu gọi nhà đầu tư sớm nếu không sẽ lãng phí nguồn đất lớn...”, ông Đức nói.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, để thu hút đầu tư vào KCN Quảng Vinh, thời gian qua Ban đã tích cực thực hiện công tác xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho một số nhà đầu tư. Song do một số lý do khách quan nên rất khó thu hút nhà đầu tư và hiện nay vẫn chưa có dự án nào triển khai.

“Hiện tại, có một số nhà đầu tư đang đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án tại KCN Quảng Vinh, dự kiến trong năm 2020 sẽ thu hút được khoảng 2-5 dự án. Trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ tiếp tục ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng như các nhà đầu tư sản xuất tại KCN này...”, ông Lê Văn Tuệ- Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế- công nghiệp tỉnh cho hay.

Bài 2: Khu công nghiệp không hệ thống xử lý nước thải

Văn Dinh