Hà Nội “đồng bộ” chính sách phòng chống chất thải nhựa
Môi trường - Ngày đăng : 16:46, 18/11/2019
Thiếu chính sách hữu hiệu
Thời gian qua, thực hiện lời phát động của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên & Môi trường, TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền thành phố qua những chương trình hành động ưu tiên cụ thể.
Trong đó, ngày 31/10/2018, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 206/KHUBND về việc hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020; Văn bản số 3549/UBND-ĐT ngày 19/8/2019 về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố.
Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án, Sở TN&MT Hà Nội chia sẻ thực trạng và các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ở Hà Nội |
Gần đây nhất, ngày 25/10/2019, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài Chính cắt hết tất cả các loại kinh phí sử dụng mua chai nhựa, đồ dùng túi ni lông trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất và quản lý của thành phố.
Đáng chú ý, chương trình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn TP trong năm học 2019 – 2020 do Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan thực hiện, đến nay đã có 637 trường học trên 16 quận, huyện tự nguyện đăng ký tiến hành thu gom, phân loại và tái chế thành các sản phẩm “không còn là rác thải”.
“Dự kiến, từ nay đến hết năm 2019 sẽ có trên 1000 trường học trên toàn địa bàn thành phố đăng ký tự nguyện thu gom, phân loại và tái chế các vỏ hộp sữa”, bà Thủy thông tin.
Chương trình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội trong năm học 2019 – 2020 bước đầu có hiệu quả. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo bà Thủy, TP Hà Nội chưa có được những chính sách hữu hiệu, cụ thể trong vấn đề chất thải nhựa. Do vậy, thời gian tới, với sự đồng hành của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, thành phố sẽ đồng bộ và hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp luật về phòng chống chất thải nhựa; xây dựng, ban hành chính sách, cơ chế cụ thể khuyến khích và các văn bản pháp luật về phòng chống chất thải nhựa.
“Từ nay đến năm 2020, thành phố tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình kiểm soát và hạn chế chất thải nhựa/túi nilon theo các kế hoạch do thành phố ban hành”, bà Thủy cho biết thêm.
Cần đồng bộ…
Nhìn nhận cơ chế, chính sách là “1 trong 3” nhóm giải pháp lớn cần tích cực triển khai để giảm thiểu chất thải nhựa, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, chúng ta phải có hệ thống cơ chế, chính sách; cụ thể hóa định hướng kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, đồng bộ từ nỗ lực đến thu gom – phân loại – tái chế, tái sử dụng chất thải đến cơ chế chính sách khuyến khích những công nghệ “biến rác thải thành tài nguyên”. Làm sao để việc phân loại, tái chế, tái sử dụng đồng bộ từ người dân, hộ gia đình tới doanh nghiệp.
Bên cạnh vấn đề cơ chế, chính sách, đại diện Sở TN&MT cho hay, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương định hướng và chỉ đạo các cấp tuyên truyền hiệu quả về BVMT nói chung và giảm thiểu chất thải nhựa nói riêng.
Cùng với đó, hợp tác với các cơ quan báo chí, truyền hình tuyên truyền rộng rãi các giải pháp chống rác thải nhựa nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân thủ đô xây dựng Thủ đô khỏe mạnh và đáng sống.
“Hà Nội mở rộng vòng tay huy động sáng kiến, nguồn lực của tất cả các bên, các tổ chức, doanh nghiệp để làm sao đó thiết lập được mạng lưới cùng với chính quyền thành phố tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin để thực hiện các giải pháp về chất thải nhựa”, bà Thủy khẳng định.