Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu 

Kinh tế - Ngày đăng : 16:36, 17/11/2019

(TN&MT) - Ngày 17/11, tại TP.Bến Tre, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa thích ứng biến đổi khí hậu” (BĐKH). Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần V năm 2019.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng, lợi thế và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây dừa. Hiện nay, diện tích trồng dừa ở Việt Nam đứng hàng thứ 8 trong 93 quốc gia, vùng lãnh thổ có trồng dừa. 

Ở Việt Nam, cây dừa được xếp hàng thứ 4 trong các cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, sau các cây cao su, hồ tiêu, điều. Hiện nay, diện tích dừa cả nước đạt khoảng 175.000ha, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung  và ĐBSCL. Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 80% diện tích dừa cả nước với diện tích khoảng 130.000ha. 

Dừa được xác định là cây trồng quan trọng cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, góp phần thúc đầy kinh tế - xã hội không ngừng tăng trưởng. Đồng thời, trong bối cảnh Bến Tre và các tỉnh đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi BĐKH, nước biển dâng, thì việc trồng dừa và chế biến các sản phẩm từ dừa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, giúp tăng khả năng chống chịu và ứng phó với BĐKH.

Đặc biệt, trong điều kiện BĐKH, cây dừa là cây trồng sẽ chống chịu được với vùng đất mặn lợ, vùng đất bị mặn xâm nhập vào mùa khô. Dừa là một cây trồng thích nghi với việc thay đổi khí hậu vì nó giữ được độ cao của mực nước ngầm, kiểm soát xói mòn. Những hàng dừa tạo thành bức tường những bức tường chắn sóng mạnh mẽ và làm giảm bớt thiệt hại do những cơn bão và lốc xoáy gây ra. Ngoài ra, cây dừa làm trẻ hóa và sáng tạo đất vì ít sử dụng các loại phân bón hóa học và thuộc trừ sâu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Trọng, thời gian qua, ngành dừa đã được nhà nước, nhà nông và nhà khoa học nhận thức rất rõ nhưng vẫn còn lúng túng trong tìm giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy ngành dừa phát triển. Chính vì vậy, hội thảo lần này được tổ chức với mục đích đánh giá toàn diện và đầy đủ về tiềm năng, lợi thế của ngành dừa để đề ra các giải pháp phát triển chuỗi giá trị cây dừa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng BĐKH và phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chia sẻ những kinh nghiệm, khai thác lợi thế sản phẩm chế biến từ dừa, hạn chế rác thải nhựa, thúc đẩy tiêu dùng xanh, hướng tới kinh tế xanh; vai trò của nhà khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển ngành dừa; vai trò của cây dừa trong điều kiện thích ứng BĐKH và chuỗi giá trị vô hình của cây dừa với du lịch tỉnh Bến Tre; hiện trạng và định hướng phát triển sản xuất cây dừa trong điều kiện BĐKH,…

Trong đó, bà Lê Việt Nga– Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương đã chia sẻ về khai thác lợi thế sản phẩm chế biến từ dừa, hạn chế rác thải nhựa, thúc đẩy tiêu dùng xanh, hướng tới kinh tế xanh. Theo bà Nga, hiện nay việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm như túi, chai, hộp, ống hút,... bằng vật liệu an toàn, dễ phân hủy để thay thế vật liệu nhựa là hết sức cần thiết. Mà cụ thể, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng có những doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất thành công và cho ra thị trường một số sản phẩm thay thế nhựa bằng dừa, thân thiện mới môi trường.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hùng Lân - Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, tác động của BĐKH có gây nên những thiệt hại về nặng nề về năng suất, sản lượng của các loại cây trồng, nhưng cây dừa chính là loại cây trồng có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ là một yếu tố tất yếu trong tiến trình hội nhập kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dừa cả nước nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.

Tuyết Chinh