Bình Định: Dân khốn khổ sống chung với nạn ô nhiễm từ mỏ đá và trang trại heo
Tiếng dân - Ngày đăng : 18:43, 16/11/2019
Gần 20 năm nay, người dân sinh sống dưới chân núi An Trường chưa một ngày được sống trong bình yên, được tận hưởng không khí trong lành của cuộc sống mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Chừng ấy năm qua, họ đã phải sống chung với nạn khai thác đá từ mỏ đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu – Granite và sau này có thêm mỏ đá của Công ty TNHH Nam Á.
Từ ngày có hai mỏ đá xuất hiện nằm trên mái đầu nhà dân, người dân sinh sống dưới chân núi ngày nào cũng nghe tiếng máy đào khoét núi, máy khoan đục đẽo núi, tiếng nổ mìn phá đá |
Hai mỏ đá đều nằm trên lưng chừng núi và bây giờ nó đang bị doanh nghiệp khai thác sâu, rộng hơn và tiến dần lên đỉnh núi. Phía sau đỉnh núi An Trường đang bị khai thác đá là khu vực Hồ núi Một và di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng An Trường. Việc lấn sang diện tích khu vực Hồ núi Một và di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng An Trường cũng không còn bao xa, nếu cứ tiếp tục khai thác đá.
Mỏ đá Công ty TNHH Hoàn Cầu –Granite không còn bóng cây xanh, dưới chân núi mỏ đá là khu trang trại neo heo |
Từ ngày có hai mỏ đá xuất hiện nằm trên mái đầu nhà dân, người dân sinh sống dưới chân núi ngày nào cũng nghe tiếng máy đào khoét núi, máy khoan đục đẽo núi, tiếng nổ mìn phá đá rền rền trên mái nhà như bom nổ thời chiến. Kèm theo là những trận bụi đá phát tán ra môi trường xung quanh vào mùa nắng, xả thải nước đục đen, trắng, xanh pha tạp các hóa chất vào mùa mưa, khiến người dân luôn sống trong tình trạng lo lắng, bất an với hiện tượng sạt lở của hoạt động khai thác đá và sức khỏe do nguồn nước bị nhiễm hóa chất từ bột nổ công nghiệp và các hóa chất độc hại khác trong quá trình xử lý, chế biến đá của hai doanh nghiệp tích tụ lâu dần theo thời gian nhiều năm.
Mỏ đá của Công ty TNHH Nam Á tại núi An Trường |
Ngoài hai mỏ đá ra, người dân nơi đây phải hứng chịu thêm nỗi thống khổ từ các trang trại nuôi heo, trong đó có một trang trại của Công ty TNHH Hoàn Cầu – Granite. Trên núi khai thác đá, dưới núi làm trang trại nuôi heo, xả nước thải ra môi trường gây mùi hôi thối khiến cuộc sống người dân nơi đây vốn đã khốn khổ lại càng thống khổ hơn.
Doanh nghiệp phá núi tan hoang lấy đá |
Ông Phan Văn Phong – Xóm trưởng Hòn Tượng A, thôn Thọ Tân Bắc chia sẻ: 70 hộ dân sinh sống dưới hai mỏ đá chịu nhiều thiệt hại về sức khỏe, thể chất, tinh thần. Điều chúng tôi bức xúc lo lắng nhất là nguồn nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm hóa chất độc hại từ bột thuốc nổ công nghiệp. Toàn bộ nguồn nước người dân hưởng lợi từ kênh nước Hồ núi Một, kênh đầy thì giếng nước đầy, kênh khô thì giếng khô cạn không có nước. Xả nước thải xay đá ngấm vào mạch ngầm giếng nước, thì người dân dùng nguồn nước này lâu ngày tích tụ gây bệnh hiểm nghèo về sau. Khu vực nhà máy cưa đá có hồ lắng, họ dùng hóa chất đổ vô hồ để đánh bóng đá, giữ màu đá không bị bạc rồi lại thải ra hồ, hồ này tràn lại chuyển sang hồ khác, chảy ra phía dưới kênh. Chưa kể, Công ty TNHH Nam Á khai thác đá làm ảnh hưởng đến đất màu của người dân.
Ông Phong cho biết thêm: Các trang trại nuôi heo xả thải phân nước đặc sệt gây mùi hôi thối, dân cứ đến gặp tôi kiến nghị hoài. Các trại heo đầy bọt, đầy hầm chứa rồi chủ trại xả trộm, nước chảy xuống khu dân cư, người dân không chịu nỗi. Tôi gọi điện phản ánh mới giảm đi phần nào.
Bà Đào Thị Thông ở xóm Hòn Tượng A, thôn Thọ Tân Bắc lo lắng: Không chỉ lo lắng nguồn nước giếng bị nhiễm hóa chất, mà lo sợ nhất là Công ty TNHH Hoàn Cầu – Granite dùng bột nổ công nghiệp, nổ liên tục trong ngày. Chúng tôi lo sợ hồ chứa nước trên mỏ đá bị bể, thì dân chúng tôi dưới núi chỉ có nước chết. Họ xả thải nước chủ yếu mùa mưa, cả mỏ đá lẫn trang trại đều lợi dụng mưa lớn để xả thải. Mùa nắng thì nước xả thải ngấm vào lòng đất, mùa mưa xả thải theo nước mưa chảy xuống khu dân cư.
Nước xả thải từ các mỏ đá mùa mưa theo suối chảy kênh Hồ núi Một |
Làm việc với PV Báo TN&MT, ông Phan Ngọc Hùng - Phó Bí thư xã, Chủ tịch HĐND xã Nhơn Tân cho biết: Trang trại nuôi heo nằm trong khu tập trung chăn nuôi được UBND tỉnh quy hoạch gây bức xúc bà con. Qua tiếp xúc cử tri, bà con ý kiến nhiều lần. Đối với địa phương cũng đã kiến nghị, chuyển tải thông tin của bà con đến các cơ quan chức năng. Vừa rồi các sở ngành cũng về kiểm tra, mời các hộ chăn nuôi cam kết. Qua thời gian theo dõi mức độ xả thải giảm hơn so với trước đây. Họ xả thải nhất là vào ban đêm. Đối với các mỏ đá, họ xả thải từ các bể lắng, bà con phản ánh, nhưng chính quyền đi kiểm tra thì lại không thấy. Họ xả thải chảy theo suối vào mùa mưa lớn. Bà con lo ngại hóa chất trong quá trình chế biến đá. Nhiều năm nay, hai mỏ đá khai thác tại địa phương, nhưng địa phương chưa được hưởng lợi các công trình xây dựng phúc lợi, dân sinh nào từ các doanh nghiệp khai thác đá. Đường từ ngã tư chạy vào Hồ núi Một do được làm kiên cố, nên xe chở đá chạy ra vô cũng không bị hư hỏng nhiều.
Người dân lo lắng nguồn nước xanh, đục, trắng pha tạo hóa chất xuống kênh Hồ núi Một lâu dài ảnh hưởng sức khỏe |
Được biết, Công ty TNHH Hoàn Cầu – Granite được UBND tỉnh Bình Định có Quyết định cho thuê đất số 2903 ngày 14/10/2004 với thời hạn 30 năm. Diện tích 191.800m2 thuộc một phần khoảnh 6,7 tiểu khu 310 tại núi An Trường để khai thác lộ thiên đá granite tảng lăn làm đá ốp lát, được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Công ty TNHH Nam Á được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác với diện tích 06ha tại núi An Trường. Cả hai doanh nghiệp này, đều khai thác đúng hai mỏ đá xuất hiện khối lượng đá đỏ, hồng hoa cương có giá trị kinh tế cao được ưa chuộng tại Việt Nam và nước ngoài, mang về nguồn lợi nhuận không nhỏ cho doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, mang đến nhiều nỗi khổ cho người dân dưới mỏ đá và cả địa phương.
Ngoài những hệ lụy từ nạn khai khác đá mà người dân phải hứng chịu, cộng với cơ sở hạ tầng, đường trục chính của xã Nhơn Tân bị hư hỏng, ngày càng xuống cấp, thì cảnh quan thiên nhiên bị xâm phạm, núi không còn bóng cây xanh. Núi An Trường nơi căn cứ cách mạng, nay bị cạo trọc trơ màu da đỏ của đá, đất. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua người dân nơi đây chưa được hưởng lợi bất kỳ công trình an sinh nào có sự đóng góp của doanh nghiệp thì thật là điều đáng tiếc.