Nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc viết về sự nghiệp Giáo dục đạt chất lượng
Xã hội - Ngày đăng : 17:17, 14/11/2019
Ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Phát động từ ngày 26/3/2019 và nhận tác phẩm đến hết ngày 30/9/ 2019 (tác phẩm được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 05/9/2018 đến ngày 05/9/2019), Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham dự Giải (so với hơn 700 tác phẩm của năm ngoái) từ 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, Giải năm nay ghi nhận sự tiến bộ vượt trội về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, sự phong phú, nét mới của đề tài. Đồng thời, có sự tham gia đông đảo của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến các địa phương.
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết về công tác tổ chức giải |
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Nếu như năm 2018, các tác phẩm dự thi thường chỉ viết về cuộc sống và nghị lực vượt khó vươn lên của cán bộ, giáo viên, học sinh vùng khó khăn, về đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục phổ thông mới thì năm nay, các tác giả đã đi sâu phân tích, mổ xẻ những vấn đề "nóng" của ngành.
Nhiều tác phẩm đã lột tả những câu chuyện đầy cảm xúc của các nhà giáo cắm bản, bám làng nơi rẻo cao mây mờ, những câu chuyện xúc động, nghẹn ngào của nữ nhà giáo nguyện hy sinh rất nhiều trong cuộc sống đời tư để cống hiến cho nghề ở điểm trường xa xôi; hay như nữ nhà giáo già mấy chục năm mở lớp dạy chữ miễn phí cho nhóm trẻ bụi đời…
Ông Hồ Quang Lợi đánh giá các tác giả đã có sự đầu tư thời gian, công sức và dấn thân đến tận những hang cùng ngõ hẻm, những nơi khó khăn nhất, những vùng biên cương, núi cao hay các đảo tiền tiêu xa xôi để quay những thước phim quý, chụp những bức hình đẹp, phỏng vấn thầy, cô giáo để có tư liệu sinh động cho “đứa con tinh thần” tham dự Giải.
Ông Hồ Quang Lợi cho biết: Về hình thức thể hiện, các tác phẩm dự Giải năm nay đều được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư rất công phu. Các tác phẩm báo điện tử, báo in được thiết kế, trình bày đẹp, kỹ lưỡng. Nhiều tác phẩm báo điện tử được trình bày sáng tạo, “phá cách” và sinh động, tương thích và thân thiện trên những nền tảng đa phương tiện phổ biến, phát huy thế mạnh loại hình Long - form hay Emagazine để phản ánh sinh động các vấn đề đặt ra - nên đã lôi cuốn được lượng người đọc rất lớn.
Nhiều tác phẩm truyền hình chăm chút hậu kỳ, sáng tạo trong khâu thể hiện và sản xuất, dẫn dắt lôi cuốn, có ý thức cao khi lựa chọn tham dự Giải. Nhiều tác phẩm phát thanh được xử lý theo hình thức phát thanh hiện đại, có cách đặt vấn đề và trình bày, dẫn dắt tốt, biết sử dụng các lợi thế phát thanh…
Theo các nhà báo lão thành được mời làm giám khảo, Giải năm nay đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong đội ngũ những người làm báo chuyên và không chuyên; các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí, người làm báo trên mọi miền Tổ quốc đã quan tâm nhiều hơn đến ngành Giáo dục; kịp thời thông tin, phản ánh nhiều chiều những công việc của ngành.
Quang cảnh họp báo |
“Các tác phẩm dự Giải đã góp phần cổ vũ, động viên rất lớn, không chỉ riêng với các nhân vật điển hình, mô hình tiên tiến được đề cập mà qua tác phẩm báo chí và qua Giải lần này đã thổi một luồng gió mới, động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của ngành ra sức thi đua trong công cuộc đổi mới giáo dục” – ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Từ gần 1.000 bài tham dự giải, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 71 tác phẩm nổi trội về đề tài, nội dung, hình thức thể hiện vào chấm Vòng chung khảo, bao gồm: 18 tác phẩm báo in, 16 tác phẩm báo điện tử, 18 tác phẩm phát thanh và 19 tác phẩm truyền hình. Các thành viên Hội đồng Chung khảo đã thống nhất 100% trao giải cho 44 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình, cơ cấu giải thưởng cho mỗi loại hình bao gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 05 giải Khuyến khích. |