Nghị quyết 120/NQ-CP mở hướng cho miền Tây vươn ra biển lớn - Bài 2: Nhận diện những vấn đề cấp bách
Thời sự - Ngày đăng : 16:44, 14/11/2019
Quy mô những hòn đảo trong hệ thống đảo biển Tây Nam là đảo nhỏ, hệ sinh thái nước ngọt, nằm trong vùng biển cạn, mật độ các đảo phân bố tương đối đều trên vùng biển, cách nhau trên dưới 30km, địa hình, địa mạo thuận thế liên hoàn giữa các điểm đảo với bờ biển và đất liền, để tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, ứng cứu khi có thiên tai và triển khai các dịch vụ biển.
Quần đảo hòn Khoai rộng 4km2, cao 318m, có vị trí chiến lược có thể trở thành cảng biển nước sâu trung tâm giao thương quốc tế (Ảnh: H.Hiếu) |
Thuận thế liên hoàn
Nhìn chung, hệ thống đảo được phân bố thành 2 lớp: phía ngoài và phía trong. Lớp phía ngoài có 2 cụm đảo, Hòn Khoai và Phú Quốc, phân bố thành 4 quần đảo chính: Hòn Khoai, An Thới, Hải Tặc và Thổ Chu. Lớp đảo phía trong có 2 cụm Kiên Hải và Kiên Lương - Hà Tiên với 2 quần đảo chính là Nam Du và Bà Lụa. Mỗi quần đảo có 1, 2 hòn đảo có diện tích đủ lớn làm hạt nhân, thuận lợi cho quần cư và tổ chức hành chính, hình thành các trung tâm xã, huyện đảo.
Lớp đảo phía ngoài từ cụm đảo Hòn Khoai đến cụm đảo Phú Quốc nối với hòn Thơm tới quần đảo Thổ Chu là cơ sở để xác định đường biên giới quốc gia trên biển và vùng chồng lấn với các nước láng giềng, ấn định vùng nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế, tạo điều kiện cho bảo vệ chủ quyền lãnh hải, phát triển kinh tế vùng biển, cửa khẩu, giao thông và dịch vụ quốc tế.
Điểm đầu lớp đảo phía ngoài là cụm đảo hòn Khoai, tiềm ẩn “thiên cơ” trở thành cảng biển nước sâu trung tâm. Trong cụm đảo này có hòn Sao, hòn Đồi Mồi phân bố quần tụ gần đảo chính, hòn Hàng, hòn Chuối phân bố độc lập gần đường hàng hải quốc tế.“Hòn Hàng và hòn Chuối (thuộc cụm đảo hòn Khoai) là đảo tiền tiêu, có thể giúp các tàu thuyền của ngư dân đánh bắt hải sản và tàu di chuyển trên đường hàng hải quốc tế ghé lại lánh nạn trong các tình huống thiên tai” - Thượng tá Trần Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng hòn Chuối, cho biết.
Xuôi về phía biển Tây, khoảng giữa và cuối lớp đảo phía ngoài, đảo hòn Đốc của quần đảo Hải Tặc (ở phía Bắc đảo Phú Quốc) và quần đảo Thổ Chu có vai trò phân định đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Quần đảo Thổ Chu là cơ sở định vị góp phần xác định vùng chồng lấn trên thềm lục địa giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và tại quần đảo này còn có hòn Nhạn chính là điểm A1 trong 11 điểm về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.
Quần đảo Thổ Chu gồm 8 đảo nhỏ, cách mũi Cà Mau khoảng 160km về phía Tây Bắc, cách thành phố Rạch Giá khảng 220km, là cơ sở ấn định vị hải phận quốc gia, có tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quan trọng (Ảnh: H.Hiếu) |
Điểm tựa phát triển
Trong thế liên hoàn, quần đảo Phú Quốc có diện tích gần 600km2, nhiều thuận lợi phân bố lực lượng an ninh quốc phòng. Phần Bắc và Đông Bắc đảo này có các dãy núi ăn sát ra bờ biển (núi Chao 382m, núi Hàm Rồng 386m, dải Hàm Ninh 565m…) có địa hình phù hợp để phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng cho đảo biển.
Phía Nam và Tây Nam có địa hình đồng bằng, đồi núi thuận lợi bố trí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cơ động chi phối bình diện toàn vùng. Chiều dài Bắc - Nam quần đảo 50km, địa hình cao hơn các đảo nhỏ khác trong vùng nên Phú Quốc như tấm lá chắn bảo vệ cho các quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du nằm phía trong.
Cùng với Phú Quốc, các quần đảo Thổ Chu, Nam Du, An Thới án ngữ tại vị trí các cửa ngõ giữa đất liền với vịnh Thái Lan. Các đảo này có thể đáp ứng vai trò trung tâm kinh tế vùng biển, cửa khẩu, thương cảng giao thông và dịch vụ quốc tế, làm vệ tinh trọng điểm cho các hoạt động từ đất liền vươn ra vùng biển Tây Nam, phát triển các hoạt động trên biển, mở rộng giao thương với các quốc gia trong vịnh Thái Lan.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu đưa đón các phương tiện giao thông quy mô lớn như sân bay, cảng biển quôc tế,… tại các quần đảo này có ý nghĩa chiến lược, phát huy vai trò vệ tinh trọng điểm kết nối đảo biển với đất liền và quốc tế trong bảo vệ, phát triển kinh tế hiệu quả.
Đặc biệt, quần đảo Thổ Chu phân bố cuối lớp đảo phía ngoài, xa bờ, nằm cạnh các ngư trường lớn, rất thuận lợi để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, dầu khí, hàng hải, thương mại. Lâu nay tàu thuyền quốc tế lưu thông trong đường hàng hải BangKok - Kongpongxom - Singapore đã nhờ hình thái đặc thù như một mặt bàn của đảo Thổ Chu để nhận biết vị trí tàu, xác định tuyến giao thông, vị trí bến cảng,... khi vào vùng biển Tây Nam.
“Thổ Chu có lợi thế phát triển dịch vụ biển, dịch vụ hậu cần nghề cá. Phú Quốc có lợi thế trở thành trung tâm du lịch lớn. Các đảo quanh vùng có thế mạnh về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nghề truyền thống. Những đảo phân bố sát bờ như các đảo ở xã Bình An, Kiên Lương có quan hệ gắn chặt với đất liền, nên phát triển tốt về kinh tế, giao lưu văn hóa, ít chịu gió bão hơn các đảo bên ngoài” - TS. Trương Minh Chuẩn, nhận định.
Đối mặt xu hướng suy thoái hệ sinh thái
Thuận thế liên hoàn, điểm tựa bảo vệ và phát triển ngoài khơi, nhưng hệ sinh thái nước ngọt của hệ thống đảo trên biển Tây Nam rất mong manh đang đối mặt xu hướng suy thoái, khó hồi phục. Đa số các đảo đều có quy mô nhỏ, trong điều kiện trở ngại sóng gió, vấn nạn thiếu nước ngọt đã và đang ngày càng gay gắt.
“Nước ngọt là nhu cầu thực tế và quan trọng cho toàn vùng biển đảo Tây Nam. Có nhiều công nghệ cung cấp nước ngọt như hồ chứa, lọc nước biển, khai thác nước ngầm, ... tuy nhiên những giải pháp này có những điểm giới hạn về kinh phí và công trình. Cần phải có những giải pháp tổng hợp hơn là từng giải pháp riêng rẻ” - PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - ĐHCT, trăn trở.
Mặt đất ở các đảo đều mỏng, nhỏ hẹp, thường xuyên bị rửa trôi, thảm thực vật trên bề mặt hạn chế, đang có xu hướng suy giảm cùng với diện tích các đảo đang nhỏ dần. “Quá trình phá hủy bờ đảo của sóng biển luôn vượt quá trình tích tụ mà hệ quả là diện tích các đảo có xu thế nhỏ dần. Nguyên nhân của hiện trạng này là từ yếu tố thiên nhiên, song yếu tố con người đã thúc đẩy làm tăng tốc độ xói lở bờ đảo” - TS. Trương Minh Chuẩn, Trường Đại học Nha Trang - Phân hiệu Kiên Giang, cho biết.
Cũng theo nghiên cứu của TS. Trương Minh Chuẩn, việc tác động vào rừng, sườn núi, khai thác khoáng sản diễn ra trên các đảo Phú Quốc, Sơn Rái, Nam Du… đang dẫn đến hệ quả làm suy thoái nhanh môi trường và các hệ sinh thái vốn rất mong manh, khó bề khôi phục và khi khai thác phải sử dụng một lượng lớn năng lượng, nước ngọt… ngoài ra còn làm mất thắng cảnh, kỳ quan, rừng ở bên trên.
Cư dân đảo hòn Chuối mỗi năm di dời nhà ở hai lần theo mùa để núp sóng gió |
Điều kiện sống ngày càng khắc nghiệt
Tình trạng lấn chiếm đất rừng, san lấp, thải rác trực tiếp xuống sông, suối… ở Phú Quốc đã lộ diện khi mưa lớn, triều cường dâng cao, lâm vào ngập lụt. Kể từ thảm họa bão Linda - 1997 đến nay, quần đảo trung tâm lớn nhất trong hệ thống đảo biển Tây Nam này đã 4 lần bị ngập do mưa lớn và triều cường nhưng chưa bao giờ có những vị trí ngập sâu tới 2m, phải sơ tán hàng chục ngàn người như đợt ngập tháng 8 vừa qua.
“Đợt ngập lụt tại đảo Phú Quốc vừa qua là sự kiện khiến chúng ta giật mình nhận ra yêu cầu cấp bách để quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp thích ứng BĐKH, phát triển bền vững vùng biển đảo Tây Nam” - TS. Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển vùng ĐBSCL - ĐHCT, nói.
Nghiên cứu thực tiễn, TS. Trương Minh Chuẩn, đã cảnh báo: Diện tích rừng trên đảo tiếp tục bị suy giảm cả về chất và lượng, nhiều loài thú có nguy cơ bị diệt vong. Nguồn lợi vùng biển xung quanh bị khai thác mạnh dẫn đến cạn kiệt. Nước ngọt trên đảo bị cạn kiệt và ô nhiễm, cư dân trên các đảo nhỏ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nhất là vào mùa khô hạn.
Việc ngăn chặn xu hướng suy thoái hệ sinh thái nước ngọt trên hệ thống đảo biển Tây Nam đang đòi hỏi các giải pháp cấp bách, hành động hiệu quả để gìn giữ điểm tựa cho miền Tây vươn ra biển lớn phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP.
Bài 3: Sử dụng tài nguyên bền vững, phát triển kinh tế sinh thái